Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào các nội dung chính của các dự thảo Luật. Đa số đại biểu cho rằng, Bộ luật Hình sự là bộ luật lớn, quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, do vậy, việc sửa đổi cần bảo đảm chất lượng, không đặt nặng yêu cầu về tiến độ. Theo đó, cần rà soát kỹ từng điều khoản, tập trung sửa lỗi kỹ thuật, không làm thay đổi chính sách hình sự trong Bộ luật mà Quốc hội đã thông qua, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới hiện nay.
Bộ Luật hiện có sự phân biệt về người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cho lỗi cố ý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc liệt kê các tội mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự như dự thảo Bộ luật là chưa ổn. Câu hỏi đặt ra là: Căn cứ nào để quy định theo hướng người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự ở một số điều luật này, nhưng với một số điều luật thì không áp dụng với đối tượng là người chưa thành niên? Ví dụ, đối với tội trộm cắp tài sản, người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi đó các loại tội khác như: Tội lạm dụng tín nhiệm, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm về an ninh quốc gia… thì người chưa thành niên không thuộc đối tượng điều chỉnh?.
Nhấn mạnh về sự cần thiết bảo đảm tính chất nhân đạo trong chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, cụ thể là người chưa thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự ở một số loại tội, song có ý kiến cho rằng, cần rà soát để tránh trường hợp người chưa thành niên vi phạm ở mức độ nặng nhưng lại đưa vào khung nhẹ và ngược lại. Có như vậy, mới bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng còn một số quy định phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện như các điều liên quan đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác; tội vi phạm động vật quý hiếm, động vật hoang dã; tội mua bán hàng cấm… Qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, các cơ quan chức năng phát hiện một số chất ma túy mới nguy hiểm đến sức khỏe con người. Các loại ma túy này chưa được quy định trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi) nên chưa có cơ sở để xử lý hình sự hành vi vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tội phạm ma túy. Qua đó, đại đa số các đại biểu cho rằng, chưa nên thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật. Đồng thời, khẳng định Đoàn ĐBQH Thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.