Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, trong các ngày từ 5/8 đến 19 giờ ngày 8/8 ở các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được phổ biến ở Hà Tĩnh từ 300 đến 600mm; ở Quảng Bình từ 800 mm đến 1000mm; một số nơi đặc biệt lớn như Hà Tĩnh là 605mm; Hương Khê là 1144mm; Chu Lễ là 799mm; Đồng Tâm là 1236mm; Minh Hóa là 1095mm.
Sáng nay (9/8), mực nước trên sông La tại Linh Cảm có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,4m (dưới báo động 2 là 0,1m), sau đó xuống chậm. Mực nước trên sông La, sông Sêrêpôk và sông Gianh tiếp tục xuống; trên sông La tại Linh Cảm xuống mức 4,8m (trên báo động 1 là 0,8m); trên sông Sêrêpôk tại Bản Đôn xuống chậm và còn duy trì ở mức cao; trên sông Gianh tại Mai Hóa xuống dưới mức báo động 2.
Tại Hà Tĩnh, hôm qua (8/8) có mưa rất to và nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về vùng thấp gây úng ngập nhiều huyện, xã. Tính đến 17 giờ cùng ngày, tại huyện Hương Khê nước dâng cao làm cho 22/23 xã bị chia cắt với bên ngoài. Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Vũ Quang đến Hương Khê bị ngập từ 0,4-0,6m ở 4 điểm gây ách tắc giao thông, xe ô tô con không thể đi qua được. Mưa lũ tại Hà Tĩnh làm 14 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương. Diện tích lúa hè thu bị ngập gần 13.900 ha. Nếu trong 2 ngày tới, nước không rút thì lúa hè thu bị mất trắng. Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 10 xuồng máy đến các huyện Hương Khê, Vũ Quang để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho những hộ gia đình bị cô lập không ra ngoài được. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động 100 cán bộ, chiến sĩ để di chuyển người ở những thôn xóm đang bị ngập sâu đến các địa điểm an toàn.
Tại Quảng Bình, tính đến 1 giờ sáng nay (9/8), nước lũ đang rút chậm, người dân vùng ngập lũ các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá và Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thể trở về nhà.
Đến 23 giờ tối 8/8, ở nhiều nơi nhà dân vẫn ngập sâu trong nước lũ từ 1-1,5m. Trong đêm, các lực lượng vũ trang, xung kích làm nhiệm vụ cứu hộ vẫn tiếp tục túc trực để có thể ứng cứu kịp thời. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Uỷ ban Nhân dân tỉnh xuất hàng chục tấn gạo, mì tôm, nước uống và các mặt hàng thiết yếu khác như quần áo, chăn màn, thuốc chữa bệnh... với phương châm không để người dân bị đói, rét hay đau ốm. Các địa phương và ngành chức năng cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong lúc di dời, đồng thời chuẩn bị phương án để đảm bảo cho người dân trở lại cuộc sống bình thường sau khi nước lũ rút.
Trong những ngày qua, mưa lớn không chỉ làm ngập lũ trên diện rộng, đe doạ tính mạng, tài sản của người dân, mà còn gây sạt lở, hư hỏng tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình). Sáu chuyến tàu thống nhất từ thành phố Hồ Chí Minh phải dừng lại ở ga Đồng Hới. Lãnh đạo nhà ga đã huy động 24 xe ô tô, trung chuyển hơn 2.000 hành khách ra ga Vinh, đồng thời đón khách từ ga Vinh về Đồng Hới để tiếp tục đi tàu vào Nam. Để đảm bảo an ninh trật tự, mỗi xe, nhà ga bố trí 1 cán bộ trực tiếp phụ trách. Gần 100 cán bộ công nhân viên còn lại làm nhiệm vụ hướng dẫn hành khách lên xuống tàu. Nhà ga cũng bố trí các đoàn viên, thanh niên biết ngoại ngữ để hướng dẫn các hành khách là người nước ngoài.
Tại Gia Lai, mưa lớn trên diện rộng trong 4 ngày qua làm cho mực nước ở các sông, suối đột ngột dâng cao ở mức báo động 3. Tỉnh lộ 126-166 đoạn qua huyện Kon Chro và Ia Pa bị sạt lở nhiều nơi và ngăn cách hoàn toàn. Tại các huyện Chư Prông, Ia Pa, Ayun Pa và Kroong Pa, hơn 150 ngôi nhà bị ngập, phải di dời, gần 200 ha cây trồng các loại bị ngập úng, 30 hồ cá nuôi của dân bị nước tràn làm vỡ. Ở làng Bắc Bó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, nước lũ đã cuốn trôi một người. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các huyện tích cực phòng chống lũ lụt, nắm chắc tình hình dân cư, giúp dân khắc phục hậu quả, không để đồng bào bị đói, rét, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Do ảnh hưởng của cơ bão số 2, Đăk Lăk là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất về người và của, ước tính thiệt hại xấp xỉ 450 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại về người gồm 11 người chết, 9 người bị mất tích và 1 người bị thương thì hàng chục ngàn diện tích cây trồng bị thiệt hại, cống đập bị xói lở, vỡ và nhiều công trình giao thông thuỷ lợi vị hư hỏng nặng.
Cụ thể là số diện tích cây nông nghiệp bị ngập sâu trong nước hiện rất lớn gồm: 15.596 ha lúa, 9.734 ha ngô, 180 ha bông vải, 383 ha sắn, 1.595 ha đậu đỗ các loại 666 ha rau màu, 1.768 ha cà phê, 986 ha cây trồng khác và 394 ha ao nuôi cá, tôm. Bên cạnh đó còn có nhiều tài sản của nông dân bị thiệt hại như lúa, ngô, gà, vịt, trâu bò bị chết trôi. Ngoài ra còn có 39 đập nước bị vỡ, 17 công trình thuỷ lợi, 3km mương bê tông, 28km mương đất, 4km đê bao, 8 cầu bán kiên cố, 21 cầu tạm, 72km đường giao thông nông thôn…bị hư hỏng, xói lở, trôi, vỡ.
Bão số 3 tiếp tục suy yếu thành áp thấp
Hồi 4 giờ sáng nay (9/8), vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 22,2 độ vĩ bắc; 114,3 độ kinh đông, ngay trên bờ biển Hongkong (Trung Quốc), cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 150 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 10/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, trên đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới do bão số 3 đầy lên di chuyển theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 11/8, vị trí trung tâm vùng thấp ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới Việt – Trung (Cao Bằng – Lạng Sơn) khoảng 50 km về phía đông.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Từ đêm nay (9/8) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa và mưa vừa, có nơi mưa to.
Theo tổng hợp mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lớn, lũ lụt do ảnh của cơn bão số 2 đã làm 36 người chết trong đó Hà Tĩnh có 14 người, Đăk Lăk 11, Gia Lai 1, Lâm Đồng 6, Phú Yên 1, Đăk Nông 1, Quảng Bình 2 và 13 người mất tích (Đắk Lắc: 9, Hà Tĩnh:1; Quảng Bình: 3). Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục tổ chức di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất, hỗ trợ các hộ di dời khẩn cấp và cung cấp lương thực./.