VOV)_ Như tin đã đưa, tối 24/8 Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 28 - AIPA 28, tổ chức tại Malaysia đã về đến Hà Nội. Thành công của Đại hội đồng có sự đóng góp tích cực của Việt Nam. Với việc thông qua hơn 40 Nghị quyết và Thông cáo chung, AIPA xác định tiếp tục mục tiêu đoàn kết hợp tác vì sự phát triển của khu vực và xây dựng cộng đồng vì nhân dân. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên đi theo đoàn về kết quả AIPA 28 và những đóng góp của Đoàn Việt Nam.
PV: Chủ tịch đánh giá như thế nào về kết quả Đại hội đồng AIPA 28?
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Có 3 kết quả nổi bật. Thứ nhất, kỳ họp tiếp tục khẳng định, thể hiện vai trò quan trọng của AIPA trong đời sống chính trị trong các nước ASEAN cũng như trên phạm vi thế giới. Với việc thông qua Thông cáo chung, hơn 40 Nghị quyết chuyên đề và 7 cuộc đối thoại giữa các thành viên AIPA cùng với các đối tác ngoài khối ASEAN, AIPA tiếp tục khuyến nghị Nghị viện các nước trong khu vực cũng như Chính phủ các nước ASEAN thực hiện những định hướng, vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay đang nêu ra trong khu vực. Ví dụ như những vấn đề xung quanh lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, tổ chức… Thông qua đây tiếng nói và vai trò của AIPO/ AIPA được đề cao.
Thứ hai, AIPA lần này khẳng định yêu cầu là cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của AIPA với tư cách như một tổ chức có sự liên kết và đồng thuận cao. Tiếp theo Đại hội đồng AIPO 27 được tổ chức tại Cebu, Philippines đổi tên AIPO thành AIPA, việc sửa Điều lệ AIPA được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành tháng 4/2007 khẳng định phải có Tổng thư ký chuyên nghiệp, thành lập Ban thư ký AIPA cũng như tăng cường sự hợp tác giữa AIPA với ASEAN…, lần này AIPA một lần nữa bày tỏ ý tưởng để từng bước tiến tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết hơn. Riêng AIPA tăng cường hoạt động nội khối theo cơ chế thiết thực, có tác dụng tích cực hơn. Và, trong tương lai lâu dài, theo đề xuất của nhiều nước là tiến tới thành lập một Nghị viện ASEAN. Để làm được điều này, AIPA quyết định phải tăng cường tính chất chuyên nghiệp của Ban Thư ký, mở rộng hoạt động của Ban Thư ký AIPA, thể hiện qua quyết định tăng niên liễm đóng góp của mỗi nước thành viên từ 20.000 USD lên 30.000 USD.
Thứ ba, Đại hội đồng AIPA 28 tiếp tục thể hiện tình cảm, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Với nhiều cách diễn đạt khác nhau, tuy nhiên, ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Đại hội đồng đều tập trung xoay quanh chủ đề Cộng đồng ASEAN - Cộng đồng của nhân dân, toát lên sự cần thiết tiếp tục củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất hữu nghị, hợp tác. Đây là bài học giúp cho AIPA đạt được những kết quả trong 30 năm qua. Qua đây thúc đẩy các Chính phủ trong ASEAN làm tốt hơn những nhiệm vụ đã thỏa thuận, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nghị viện châu Âu…
PV: Xin Chủ tịch cho biết, tại Đại hội đồng AIPA lần này, Đoàn Việt Nam đưa ra một số sáng kiến và đã được AIPA chấp nhận?
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta chủ động tham gia nên từ trong quá trình chuẩn bị đã có trách nhiệm, tích cực. Tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban chấp hành AIPA, phiên toàn thể lần thứ nhất, lần thứ hai, tham gia thảo luận tại các Uỷ ban…, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đều có tiếng nói đóng góp tích cực, có trách nhiệm, nhất là trước những vấn đề gay cấn, và tiếng nói của Đoàn Việt Nam luôn được coi trọng. Đây là tiếng nói quan trọng góp phần tạo ra sự đồng thuận trong AIPA tại kỳ họp lần này. Việt Nam đề xuất hai Nghị quyết, là về việc tăng cường vai trò sự đóng góp của AIPA đối với Hiến chương ASEAN và về việc tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN. Đây là hai Nghị quyết quan trọng, bởi lúc này việc hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN được các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất trước đó, muốn đẩy sớm vào năm 2015 thay vì 2020 như dự kiến. Để làm được điều này phải soạn thảo Hiến chương ASEAN. Việt Nam đề nghị AIPA ngay từ đầu phải chủ động tham gia tích cực vào quá trình này. Nghị viện mỗi nước thành viên có trách nhiệm phê chuẩn Hiến chương này, sau đó là giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến chương.
Thứ hai là việc tăng cường phối hợp giữa AIPA và ASEAN. Điều đáng mừng là tại Đại hội đồng AIPO-27 tại Cebu (Philippines) đã thống nhất đưa ra cơ chế phối hợp bằng những kênh đối thoại vốn có từ trước đến nay giữa ASEAN và AIPA và có tăng thêm mỗi một kỳ họp của AIPA có lãnh đạo của ASEAN tham dự và ngược lại. Cụ thể là Tổng Thư ký của AIPA và ASEAN tham dự các kỳ họp của nhau và phối hợp công tác. Tiếp tục đà này, tôi cho là hai Nghị quyết được đánh giá cao và Đại hội đồng thông qua. Đó là đóng góp tích cực.
PV: Thưa Chủ tịch, trong phiên họp lần này, các nước có đề cập đến việc chuẩn bị thông qua Hiến chương của ASEAN. Vậy AIPA có vai trò như thế nào trong việc thông qua và thực hiện Hiến chương?
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Hiến chương đang trong quá trình soạn thảo và đã đạt được bước tiến rất tích cực, đây là bước tiến quan trọng. Nhiều vấn đề cơ bản đã được thống nhất nhưng cũng còn một số điểm quan trọng còn có ý kiến khác nhau. Trong khi đó để tiến tới thành lập cộng đồng ASSEAN vào 2015 thì trước hết phải có hiến chương vì hiến chương là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện củng cố và phát triển quan hệ nội khối trong ASEAN một cách thực chất hơn, một cách liên kết chặt chẽ hơn. Hiến chương định hướng cái đó.
Đương nhiên từ Hiến chương đến thực hiện là cả một quá trình. Từ chỗ soạn thảo đến thông qua cũng là quá trình. Theo tôi, Việt Nam cũng như các thành viên AIPA có trách nhiệm tích cực, khẩn trương tổng kết thực tiễn, chuẩn bị ý kiến để hoàn thiện bằng được dự thảo Hiến chương. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng không được xa rời mục tiêu chung của ASEAN, AIPA là xây dựng một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh, một cộng đồng ASEAN hướng tới nhân dân, vì nhân dân, trên cơ sở lợi ích của nhân dân. Đó là mục tiêu chung. Không được xa rời nguyên tắc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhau, bảo đảm đoàn kết và phải phát triển theo phương châm thống nhất trong đa dạng, tích cực, khẩn trương nhưng phải có bước đi vững chắc, có lộ trình cụ thể, thiết thực và có tính khả thi. Còn đến khi được thông qua rồi thì còn phải có quy chế hoạt động. Quy chế quy định cụ thể hơn và từng Nghị viện phải phê chuẩn Hiến chương, rồi phải cụ thể hóa để thực hiện, phải giám sát kiểm tra đôn đốc việc thực hiện thì mới có thể được thực hiện. Nhưng điều mừng là ý kiến chung đều mong muốn Hiến chương sớm được thông qua vào cuối năm nay tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Singapore. Hy vọng là sẽ được thông qua và cứ làm rồi có gì thực tiễn nảy sinh thì ta lại bổ sung. Tôi nghĩ phương pháp như vậy, tư duy như vậy biện chứng hơn, phù hợp với thực tiễn của chúng ta.
PV: Bên lề của phiên họp, Đoàn Việt Nam có một số hoạt động song phương, và thăm một số doanh nghiệp, gặp người lao động Việt Nam làm việc ở Malaysia. Người lao động có nêu lên những thuận lợi và khó khăn. Vậy Chủ tịch có suy nghĩ thế nào về thông tin mà người lao động Việt Nam đưa ra?
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tôi có một số cuộc gặp song phương như với Chủ tịch Hạ viện AIPA đồng thời cũng là Chủ tịch AIPA - 28, gặp Chủ tịch tập đoàn dầu khí Petronas, thăm thủ đô mới của Malaysia, thăm tập đoàn điện tử Prosonic, trong đó gần 300 lao động Việt Nam, tiếp xúc với tất cả các trưởng đoàn các thành viên AIPA cũng như quan sát viên. Cảm nhận chung là các nước đều đánh giá cao sự phát triển bền vững của Việt Nam, đánh giá cao sự ổn định và sự tăng trưởng nhanh về kinh tế của Việt Nam, ca ngợi khối đại đoàn kết toàn dân, là nước đa dân tộc nhưng thể hiện sự thống nhất cao, thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi cũng như thành công của kỳ họp thứ nhất. Các bạn đều tỏ ý mong muốn tăng cường sự hợp tác với Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả hơn, với nhiều hình thức hơn.
Còn khi đến thăm tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, rất may được gặp các anh chị em lao động cũng như ban quản lý lao động ở đây. Được biết nhìn chung các bạn Malaysia tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh chị em lao động Việt Nam làm việc. Các nơi khác chưa đi thì tôi chưa biết còn nơi đã đến thì anh chị em đều nói là được tạo điều kiện làm việc tốt, có thu nhập và không có vấn đề gì lớn lắm. Nhưng các anh em cũng nêu vấn đề mà tôi cho là đúng là các công ty, tổ chức môi giới đưa lao động Việt Nam đi làm việc thì phải khảo sát thực tiễn, phải nắm rõ yêu cầu đặc điểm của mỗi địa phương, làm việc phải rất cụ thể chặt chẽ, chứ không thể như thời gian vừa qua có một số nơi, một số trường hợp “đem con bỏ chợ”. Quốc hội chúng ta mới thông qua luật đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài. Tôi có nhắc anh chị em là phải nắm luật pháp của Việt Nam nhưng đồng thời cũng phải nắm luật pháp của bạn. Làm việc ở đâu cũng vậy thôi, vì lợi ích của ta nhưng cũng phải tôn trọng lợi ích, luật pháp, tập quán của nước bạn. Phải giữ gìn quan hệ tốt chứ không chỉ cốt làm việc. Rất mừng là các em, các cháu đều cho đó là đúng và hứa là sẽ thương yêu đoàn kết lẫn nhau, nhất là khi xa quê.
PV: Kết thúc AIPA, Quốc hội Việt Nam sẽ làm gì để cùng với Chính phủ Việt Nam hướng tới một cộng đồng ASEAN vào năm 2015?
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Nhiều việc lắm. Phải thúc đẩy việc soạn thảo Hiến chương ASEAN, triển khai thực hiện các Nghị quyết mà AIPA thông qua. Hôm trước trả lời phóng viên hãng tin Malaysia, tôi có nói và kiến nghị với AIPA là từ thực tiễn của Việt Nam, tôi nhận thấy là muốn các Nghị quyết của AIPA được thực hiện thì các nước phải tuyên truyền, phải giáo dục để nhân dân nước mình hiểu về các Nghị quyết đó, phải thể chế hóa, cụ thể hóa thành chính sách, thành pháp luật, phải kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, về cuối phải có báo cáo tổng kết, phải có đề xuất cái mới, còn nếu không đó chỉ là Nghị quyết thôi. Qua đây, tôi còn thấy Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm bởi chỉ 3 năm nữa Việt Nam sẽ tổ chức AIPA. Đó sẽ là một năm cực kỳ có ý nghĩa./.