Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; đại diện Tổng cục Du lịch và các đơn vị liên quan.
Tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ giữa năm 2019 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ. Các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ vận chuyển ngừng hoạt động. Hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể…
Toàn cảnh Hội nghị triển khai kế hoạch và thông tin về Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề: “Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các hành động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.
Thời gian qua, các Bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bằng những quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã đề xuất giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; sẵn sàng phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Với tinh thần đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”, dự kiến vào tháng 12 tới tại tỉnh Nghệ An (trong trường hợp dịch bệnh đã được kiểm soát) hoặc tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu COVID”; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Ngoài phiên thảo luận về những vấn đề chung của ngành du lịch, hội thảo có 03 phiên chuyên đề tập trung về các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; Công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội thảo với một số nội dung chính như: Đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam, những khó khăn, thách thức của ngành Du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Chính sách, pháp luật hỗ trợ để phục hồi, phát triển du lịch trong và sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về định hướng phát triển du lịch trong thười gian tới như: Định hướng phát triển du lịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chóng dịch bệnh hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Một số vấn đề đặt ra để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch về nguồn nhân lực, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, sản phẩm du lịch...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao các ý kiến đóng góp để tổ chức Hội thảo du lịch năm 2021 được tốt nhất và bày tỏ hy vọng, thông qua Hội thảo cũng sẽ đưa ra được những khuyến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan để có những quyết sách, tháo gỡ những khó khăn cho ngành Du lịch dưới sự tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cũng kỳ vọng Hội thảo sẽ góp phần phục hồi và thúc đẩy các hoạt động du lịch của Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Để Hội thảo diễn ra đúng với nội dung, phương án đưa ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức các công đoạn; có hình thức tuyên truyền trước, trong và sau Hội thảo nhằm góp phần giúp cho hoạt động du lịch được trở lại trạng thái bình thường và ngày càng khởi sắc./.