THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

09/06/2021

Sáng ngày 09/6, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh.

Cũng như nhiều nước, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn nhu cầu của con người tăng cao về lĩnh vực văn hóa, giải trí. Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển bùng nổ khi doanh thu phòng vé trong những năm vừa qua tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, song hành với đó thì thực tế cho thấy lĩnh vực điện ảnh nhà nước đang không thích nghi được với môi trường công nghiệp mới với tình hình thua lỗ, cổ phần hóa, tê liệt, đóng cửa...

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho rằng, việc lấy ý kiến chuyên gia để sửa đổi dự án Luật Điện ảnh ở thời điểm này là rất quan trọng, bởi lĩnh vực điện ảnh ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, Luật Điện ảnh 2006 đã bộc lộc những điểm không phù hợp, không theo kịp sự phát triển mang tính bước ngoặt của nền điện ảnh. Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có những đổi mới toàn diện.

Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp. Hà Nội Trần Thanh Hiệp phát biểu

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu cũng chỉ ra một thực tế, hiện nay doanh thu chủ yếu của điện ảnh Việt Nam chủ yếu là phim nhập khẩu chứ không phải các sản phẩm phim sản xuất trong nước; thể loại phim tài liệu, phim hoạt hình không có thị trường… Khu vực điện ảnh nhà nước đang tê liệt; điện ảnh tư nhân mới được nhà nước cho mở cửa phát triển từ năm 2000 trở đi, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa đủ mạnh. Trong khi đó, các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với số vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam để thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam. Lĩnh vực điện ảnh thường xuyên xảy ra các vụ kiện kéo dài... Do vậy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có cơ chế điều chỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phim Việt Nam thực sự phát triển.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.Hà Nội Trần Thanh Hiệp, các bộ phim chủ yếu của nước ta hiện nay chủ yếu là phim giải trí, dễ làm, các nhà làm phim không bao giờ muốn động chạm đế các vấn đề gai góc, vì họ sợ phạm luật. Do vậy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nên có 1 sự đổi mới cơ bản, để các nhà sản xuất phim cảm thấy thông thoáng, thoải mái sáng tạo. Cụ thể, nên để đơn vị sản xuất phim tự thẩm định và phân loại phim, cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ thanh tra, hậu kiểm. Bên cạnh đó, khi quy định các điều cấm cần phải đi kèm chế tài, tránh quy định chung chung.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Quỳnh Liên phát biểu

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên đề cập, hiện nay việc phát hành phim trên các nền tảng mạng xã hội đang phát triển rộng, thu hút đông đảo lượng người theo dõi như Facebook, Youtube… Tuy nhiên trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa đề cập và có các quy định điều chỉnh. Do vậy, dự án Luật cần bổ sung và quy định một cách rõ ràng.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quan tâm đến việc tạo hành lang pháp lý sao cho thật thông thoáng nhưng phải đảm bảo công bằng, lành mạnh, mở ra quy chế để lĩnh vực điện ảnh vận hành và phát triển một cách tốt nhất và nhanh nhất, cái không còn phù hợp sẽ tự bị đào thải, mất đi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại tọa đàm; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Thu Phương - Minh Thành