HỘI NGHỊ THAM VẤN Ý KIẾN XÂY DỰNG LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

27/02/2020

Ngày 27/02, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tham vấn ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội một số địa phương, cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực thanh niên...

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) với 6 Chương và 62 Điều. Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia tâm huyết và được nghiên cứu, chỉnh lý nhiều lần, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) hiện có bố cục gồm 7 Chương và 45 Điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Việc tiếp thu ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là việc làm rất có ý nghĩa để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của thanh niên, xây dựng một thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có ý chí vươn lên, có tri thức, có sức khỏe trở thành nguồn nhân lực chất lượng của đất nước

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật dựa trên cơ sở quy định những vấn đề phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, cùng với đó vẫn đảm bảo đồng hành với xu hướng phát triển của thanh niên thế giới. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, thanh niên là một tầng lớp người trẻ là lực lượng xung kích trong xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống nhà nước và đời sống kinh tế - xã hội.

Để huy động và phát huy tiềm năng của thanh niên, thúc đẩy sự tham gia đóng góp của thanh niên cho sự phát triển của quốc gia, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần thể hiện được hơi thở của thời đại, những đòi hỏi của thời kỳ mới như các vấn đề đề cao quyền con người, quyền công dân; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề dân tộc và hội nhập quốc tế; hay ở trong nước là các vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa… Những vấn đề mới này cần thể chế hóa, lồng ghép vào các quy định nhiều hơn và sâu sắc hơn trong các chương về trách nhiệm của thanh niên, của Nhà nước, gia đình và xã hội để dự thảo luật mang hơi thở của Luật thanh niên trong thời đại ngày nay.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với cách tiếp cận của dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi); cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có nhiều bước tiến, các quy định về các vấn đề này trong dự thảo nhìn chung đã phù hợp, có sự đầu tư công phu, thể hiện là một đạo luật gốc mang tính chính trị, pháp lý làm nền tảng cho việc xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với thanh niên.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi đưa trình Quốc hội, về kết cấu của dự án Luật, một số ý kiến đề nghị hoán vị Chương IV tổ chức thanh niên xuống Chương V và Chương V chuyển lên Chương IV cho logic về trách nhiệm (gắn với Chương III là trách nhiệm của Nhà nước). Bên cạnh đó, đề nghị đổi tên Chương III là "Các định hướng xây dựng chính sách và trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên".

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

Liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các đại biểu nhấn mạnh, phần lớn luật thanh niên của các quốc gia trên thế giới đều có quy định các chính sách thanh niên. Tuy nhiên, không liệt kê cụ thể, chi tiết mà quy định những chính sách chung, mang tính chất định hướng, trên những lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên, phát triển thanh niên nói chung cũng như đối với các đối tượng thanh niên đặc thù mà nhà nước cần có chính sách phát triển. Điều này nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật chuyên ngành mà thanh niên cũng là đối tượng thụ hưởng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu cho rằng, dự thảo  Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng cần có quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Các chính sách này cần được quy định một cách khái quát, điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng của sự phát triển thanh niên, bao gồm: lĩnh vực giáo dục, học tập, nghiên cứu khoa học; lĩnh vực lao động, việc làm và khởi nghiệp; lĩnh vực sức khoẻ, thể dục, thể thao, văn hoá, nghệ thuật trên nền tảng những vấn đề đặc thù của thanh niên nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các chính sách đã được quy định trong các luật chuyên ngành như: Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình,… Trên cơ sở đó, các cơ quan, bộ, ngành xây dựng các chính sách cụ thể dành cho thanh niên theo phạm vi ngành, lĩnh vực mà mình quản lý.

Bên cạnh đó, Chương này cũng cần thể hiện rõ được một số chính sách phát triển một số đối tượng thanh niên đặc thù mà hiện tại chưa được quy định cụ thể tại các đạo luật khác, bao gồm: thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; và  thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới mười 18. Việc quy định chính sách đối với các đối tượng này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước nhằm phát triển một bộ phận thanh niên đặc biệt, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng các chính sách cho thanh niên, từ đó đề xuất chính sách cho thanh niên Việt Nam; cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành trong việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật cho thanh niên; chính sách của Nhà nước với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) không chỉ nhằm sửa đổi nhằm làm tốt hơn Luật Thanh niên, mà còn cần hướng tới các vấn đề quan trọng là chuẩn bị cho lực lượng trẻ để tạo điểm chuyển cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới và bước vào hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tự tin những vẫn giữ được truyền thống dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban soạn thảo để hoàn chỉnh các nội dung của dự thảo luật. Theo kế hoạch, dự án Luật thanh niên (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội và dự kiến thông qua vào Kỳ họp tháng 05/2020, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo hi vọng sẽ tiếp tục nhận được thêm các ý kiến góp ý từ các đại biểu, chuyên gia để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật./.

Thu Phương