Toàn cảnh hội thảo
Vai trò then chốt của giáo dục đại học
Hội thảo giáo dục 2018 năm nay đã quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Tới dự và phát biểu chị đạo tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò và ý nghĩa nhất định. Giáo dục đại học là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là cấp học có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại hội thảo
Khẳng định một lần nữa về vai trò then chốt của giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng khẳng định, giáo dục đại học là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục đại học giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước.
Giáo dục đại học Việt Nam đang ở thứ hạng thấp
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Bảng xếp hạng hệ thống giáo dục của các quốc gia U21 do Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Melbourne từ năm 2012, xếp hạng top 50 quốc gia hàng đầu thế giới là một bảng xếp hạng uy tín, đánh giá về chất lượng giáo dục đại học của các nước trên thế giới. Trong kết quả xếp hạng mới nhất năm 2018 của Bảng xếp hạng U21, Việt Nam không có mặt trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trong khi đó, khu vực ASEAN có mặt 4 quốc gia: Singapore xếp thứ 10, Malaysia thứ 28, Thái Lan thứ 42 và Indonesia thứ 48.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Không chỉ vậy, tại bảng xếp hạng QS – bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, năm 2018, khu vực ASEAN có 5 quốc gia đã góp mặt gồm: Malaysia thứ 28; Singapore thứ 29; Thái Lan thứ 38; Indonesia thứ 39; Philippine thứ 45. Tuy nhiên không có sự xuất hiện của Việt Nam.
Đánh giá về chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dilip Parajuli nhận xét, theo thống kê, Việt Nam là quốc gia xếp hạng thứ 84/137 về chất lượng giáo dục đại học và chỉ có 2 trường đại học lot top 1.000 trường của thế giới (Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Tp.HCM) và 5 trường lot top 400 của Châu Á. Ông Dilip Parajuli cho rằng, như vậy là thấp, thấp so với chính khu vực chứ chưa nói đến so sánh cạnh tranh trên toàn thế giới.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dilip Parajuli phát biểu
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dilip Parajuli cho rằng, xu hướng toàn cầu trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh, số lượng du học sinh tăng cao; các trường mở phân hiệu tại các quốc gia mới nổi về kinh tế; đồng thời tăng số lượng giảng viên quốc tế và hợp tác nghiên cứu và xếp hạng trường đại học quốc tế là những nhu cầu không thể không làm để giải bài toán hội nhập. Tuy nhiên, cho đến nay cả 4 khía cạnh này, tỷ lệ của Việt Nam đều vẫn rất thấp, mới chỉ đang ở mức độ tiệm cận. Dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn cần phải tham gia vào các bảng đánh giá trên thế giới để khẳng định việc hội nhập của mình.
So sánh giáo dục đại học và giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, dù giáo dục phổ thông còn rất nhiều vấn đề chưa hài lòng, nhưng theo đánh giá quốc tế cũng đã được xếp vào nhóm 50 nước có nền giáo dục phổ thông phát triển trên thế giới. Còn giáo dục đại học Việt Nam không hề có mặt trong top 50 nước hàng đầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, giáo dục đại học Việt Nam hãy phấn đấu làm sao để có thể đuổi kịp theo giáo dục phổ thông ở chính đất nước mình.
Cần đề cao tự chủ về chuyên môn
Bàn về vấn đề tự chủ, có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh tự chủ tài chính, cần phải đề cao tự chủ học thuật, tự chủ về chuyên môn. Hiện cơ chế tự chủ đại học ở nước ta còn đang có sự lệch lạc, một số trường chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính mà chưa coi trọng đúng mực tự chủ chuyên môn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải hiểu về tự chủ cho đúng. Trường đại học có sứ mệnh sáng tạo ra tri thức. Do vậy, tự chủ về quyên môn là tự chủ căn bản nhất, việc tự chủ về chuyên môn sẽ giúp khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần được tự chủ về tài chính, tức là phải được tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Trong nguồn thu phải có nhiều nguồn chứ không phải chỉ mình học phí. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các trường không nên hiểu tự chủ có nghĩa là tăng học phí, làm giảm mất cơ hội tiếp cận đại học của học sinh nghèo.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà giáo
Năm nay, số lượng hồ sơ nghiên cứu sinh giảm mạnh đột ngột. Lý do là từ quy chế để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có một bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus. Hoặc công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Bên cạnh đó, con số 27% giảng viên của Việt Nam có trình độ tiến sĩ cũng rất thấp so với các nước trong khu vực. GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, con số 27% đã thấp rồi, nhưng giá như là tiến sĩ đúng chất lượng thì cũng còn tốt.
GS. TS Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu
Cũng trăn trở về chất lượng giảng viên, GS. TS Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đại học, trước hết và chủ yếu là chất lượng các nhà giáo. Vì thế, GS.TS Hoàng Chí Bảo kiến nghị, cần tập trung cao trình độ cho đội ngũ giảng viên.
GS. TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, giảng viên phải là những nhà khoa học thực sự đứng trên bục giảng. Ngoài ra, còn phải là người thầy thực sự, là "thầy dạy", chứ không phải "thợ dạy". Người thầy trung bình chỉ dạy như sách giáo khoa. Người thầy giỏi biết giải thích. Còn người thầy xuất sắc là người biết truyền cảm hứng.
Thế nhưng, các đại biểu nhận định, hiện ở nước ta chất lượng giảng viên hiện chưa cao. Thực tế, nhiều giảng viên không có nghiên cứu khoa học nào, không có bài báo nào trên các tạp chí khoa học cả trong nước và quốc tế, trình độ ngoại ngữ thấp... Lỗi này, một phần do cơ chế, giảng viên bị hút hết thời gian, sức lực cho giảng dạy (cả dạy tại chức), khiến họ không còn thời gian mà nghiên cứu.
Bởi lẽ, đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các chuyên gia cho rằng, đội ngũ cán bộ giảng viên cần phải đáp ứng và cập nhật được các yêu cầu mới về kiến thức của thế giới đang đổi thay nhanh chóng, mỗi giảng viên cần không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học. Giảng viên phải là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Đặc biệt các giảng viên ở các trường đại học ở Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy- trò” để phù hợp với xã hội mới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu, rộng./.