Khung pháp lý cần thiết cho hoạt động thư viện
Theo Đề cương chi tiết Luật Thư viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật có bố cục gồm 5 Chương, 52 Điều quy định về thư viện, các hoạt động của thư viện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động của thư viện.
Báo cáo về những nội dung chủ yếu của dự án Luật Thư viện, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc xây dựng nội dung Luật thư viện đảm bảo phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực văn hoá; phù hợp với các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, tính phù hợp của pháp luật thể hiện sự tương quan với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Các quy định phải đầy đủ, cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng, minh bạch, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện, tránh tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tế.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng phát biểu
Bên cạnh đó, kế thừa, tiếp thu và nâng lên thành Luật các quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi, tạo cơ sở và khung pháp luật cần thiết cho hoạt động thư viện; thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện, phát huy đầy đủ các chức năng của mạng lưới thư viện trong việc cung cấp thông tin và tri thức cho người sử dụng; bảo vệ quyền và lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản cho mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, trong dự thảo Luật Thư viện, đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật Thư viện đã được mở rộng và áp dựng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập thư viện tại Việt Nam có phục vụ người Việt Nam. Các thư viện thành lập dưới hình thức doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, thì cũng chịu sự điều chỉnh của Luật này;
Ngoài hệ thống thư viện công lập, Luật Thư viện cho phép cá nhân, tổ chức Việt Nam thành lập thư viện, tham gia cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động thư viện; cá nhân và tổ chức nước ngoài được thành lập và tham gia một số hoạt động thư viện có phục vụ cho người Việt Nam.
Đại diện Ban soạn thảo báo cáo trước Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Dự thảo Luật cũng quy định mở rộng và đa dạng hóa các loại hình, mô hình khác nhau như thư viện tư nhân, thư viện có yếu tố nước ngoài có phục vụ người Việt Nam, thư viện số, xem xét đến thư viện của các tổ chức tôn giáo, thư viện của các doanh nghiệp, thư viện, tủ sách dân lập…, ghi nhận các mô hình phòng đọc sách, tủ sách cơ sở nhằm tăng cường cho mạng lưới thư viện cấp huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu
Bên cạnh đó, đổi mới quản lý, phương thức hoạt động nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới thư viện theo hướng đảm bảo tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ vốn tài liệu thư viện thông qua các điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện; Mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công của thư viện. Đồng thời, kiện toàn hệ thống thư viện công cộng trên nguyên tắc không chia thư viện theo khu vực hành chính đối với cấp huyện để tập trung đầu tư, tránh lãng phí đồng thời nâng tầm hoạt động của thư viện trên nguyên tắc kiện toàn, củng cố thư viện đang hoạt động tốt để duy trì và có thể phát triển các thư viện liên vùng, địa bàn là trung tâm, phòng đọc sách, trung tâm văn hóa cấp xã, thành các chi nhánh của thư viện, thúc đẩy việc phục vụ của thư viện đến cấp xã và cơ sở; Việc thành lập mới phải căn cứ theo các yếu tố: số lượng nhân khẩu, phân bố dân cư, hoàn cảnh, điều kiện giao thông quyết định xây dựng cơ sở vật chất, số lượng, quy mô, kết cấu thư viện công cộng cho phù hợp… Cấp xã, cơ sở sử dụng các cơ sở vật chất sẵn có, xây dựng các phòng đọc tổng hợp phục vụ nhân dân trên địa bàn (kể cả thư viện tư nhân).
Ngoài ra, những quy định về phân hạng, đánh giá tác động của thư viện cũng được đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phát biểu
Thảo luận, các thành viện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Luật Thư viện cũng như những điểm mới trong dự thảo Luật, và cho rằng dự thảo Luật Thư viện cần tập trung giải quyết, đáp ứng được những yêu cầu về phát triển công nghệ và tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cần quan tâm đến các thiết chế thư viện cơ sở, các loại hình thư viện công cộng – thiết chế phục vụ người dân trực tiếp ở cơ sở, thư viện trường học nhằm xây dựng, hình thành thói quen đọc sách người dân, thư viện cho đối tượng trong lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến của Thường trực Ủy ban, đảm bảo tiến độ xây dựng dự án luật. Đồng thời, tiếp tục làm rõ các vấn đề về cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức, bộ máy cán bộ cho hoạt động thư viện để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.