Qua giám sát cho thấy, nhìn chung, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ban hành năm 2000 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho bảo vệ bí mật nhà nước, được các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt kịp thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hạn chế được những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến lộ, lọt, mất bí mật nhà nước, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Quá trình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, để cho tình hình lộ, lọt, mất bí mật nhà nước còn xảy ra, thậm chí có nơi xảy ra nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập của hệ thống pháp luật, nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy và người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước còn chủ quan, đơn giản; các thế lực chống phá ngày càng tích cực thu thập thông tin, bí mật nhà nước với thủ đoạn tinh vi, quyết liệt.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát cho rằng, con người là yếu tố quyết định trong bảo vệ bí mật nhà nước, yếu tố kỹ thuật có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, thu thập bí mật nhà nước, qua đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đoàn giám sát lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để tham mưu cho QH xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới.