ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI NHÀ MÁY Z131

07/07/2023

Sáng 07/7, tại Thái Nguyên, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã làm việc với Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ

Quang cảnh cuộc làm việc

Cuộc làm việc nhằm phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2023), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024).

Cùng đi có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Đỗ Quang Thành và một số thành viên Ủy ban.

Báo cáo với Đoàn khảo sát, lãnh đạo Nhà máy Z131 cho biết, Nhà máy được thành lập ngày 15.6.1966 tại Thái Nguyên, là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ chính là sản xuất các loại đạn chống tăng, đạn phòng không tầm thấp, các loại lựu đạn, mìn, phục vụ công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Nhà máy cũng được giao triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất một số loại vũ khí mới hiện đại.

Bên cạnh đó, Nhà máy còn đẩy mạnh sản xuất kinh tế; lấy hiệu quả sản xuất kinh tế để duy trì đội ngũ, năng lực sản xuất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Các sản phẩm kinh tế chủ yếu là vật liệu nổ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí, nhựa…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu

Thời gian qua, Nhà máy Z131 đã triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, từ đó, nâng cao sản xuất, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường, phối hợp với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị... Các chế độ về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động, trợ cấp đặc biệt, an dưỡng, bồi dưỡng, độc hại luôn được đảm bảo đầy đủ cho người lao động.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Nhà máy, do đặt hàng quốc phòng còn hạn chế nên việc sản xuất theo các nguồn ngân sách chỉ khai thác khoảng 40% công suất thiết kế của dây chuyền công nghiệp quốc phòng. Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng chưa được quan tâm đúng mức nên khả năng chuyển đổi sản xuất, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh chưa cao, chưa theo kịp nhu cầu, mẫu mã thị hiếu thị trường. Doanh nghiệp quốc phòng hiện nay chưa được hỗ trợ, đảm bảo về kinh phí quân trang, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho công nhân, viên chức và thân nhân trong khi đây là khoản kinh phí lớn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn vị mong muốn được Nhà nước đảm bảo một số khoản chi đặc thù như hỗ trợ kinh phí trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ chuẩn bị hưu; kinh phí đảm bảo quân trang; kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách triển khai xuất khẩu sản phẩm quốc phòng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai thực hiện nhằm khai thác tối đa năng lực dây chuyền sản xuất quốc phòng đã được đầu tư.

Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp của Nhà máy Z131, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Nhà máy; cho biết Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến, kiến nghị trong quá trình thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, với quan điểm các quy định phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Một số hình ảnh Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với Nhà máy Z131:

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đoàn khảo sát thực tế tại Nhà máy Z131

Đoàn khảo sát thực tế tại Nhà máy Z131

Đoàn khảo sát thực tế tại Nhà máy Z131

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)