THIẾU TƯỚNG, GS.TS NGUYỄN MINH ĐỨC: CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHÍP ĐIỆN TỬ GÓP PHẦN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

04/01/2021

Từ 01/01/2021, Bộ Công an bắt đầu thực hiện cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho người dân, với mục tiêu cấp 50 triệu căn cước trước 01/7/2021 khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành. Đây là 1 bước triển khai trong Luật, đồng bộ hóa Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

 

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Phóng viên:Thưa Phó Chủ nhiệm, việc triển khai cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ có những tác dụng như thế nào?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Chính phủ đang có chủ trương hướng tới Chính phủ điện tử. Chúng ta đang sống trong thời đại số. Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trình Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vừa rồi. Cho nên việc triển khai cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử là một chủ trương đúng đắn và sẽ mang lai hiệu quả rất lớn. Thứ nhất, phải khẳng định rằng mọi giao dịch dân sự trước đây phải sử dụng rất nhiều thông tin với các loại giấy tờ khác nhau. Ví dụ như người dân phải đem theo bằng lái xe, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn… nhưng khi đã có 1 thẻ CCCD gắn chíp điện tử như vậy thì nó sẽ tích hợp toàn bộ thông tin cá nhân. Với kỹ thuật số cao đã được mã hóa toàn bộ thông tin đó, công dân tham gia giao dịch dân sự, chỉ cần thẻ căn cước này. Chủ thể trong quan hệ giao dịch chỉ cần kiểm tra bằng mã vạch trên chíp đó, có thể dùng máy đọc thẻ hoặc thông qua vân tay để kiểm tra, sẽ có đầy đủ thông tin cá nhân. Như vậy, người dân khi đi giao dịch, người dân chỉ cần Căn cước công dân mà không cần các giấy tờ khác, đây là điểm sẽ giúp cải cách hành chính rất lớn và người dân sẽ cảm thấy thoải mái.

Thứ hai, tính bảo mật rất cao. Việc gắn chíp này chỉ kết nối hệ thống với các cơ quan quản lý mà không kết nối mạng nên tất cả thông tin cá nhân luôn được bảo mật. Mỗi cá nhân có 1 số định danh cá nhân nên không ai có thể làm giả được.

Thứ ba, đó là có sự liên thông với quốc tế. Với số định danh cá nhân trong Căn cước công dân gắn chíp điện tử, dù công dân hoạt động ở trong nước hay ra nước ngoài lao động, làm ăn, sinh sống, chúng ta đã có Hiệp định song phương với quốc tế thì sẽ giải quyết được bài toán thông tin liên quan đến cá nhân đó.

Phóng viên: Như vậy việc triển khai Căn cước công dân gắn chíp điện tử phải đồng bộ với hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được quy định trong Luật Cư trú 2020 đã được Quốc hội thông qua?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Việc Cơ quan Công an thực hiện chức năng cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ thống nhất về mã số. Nghĩa là mỗi công dân sẽ có 1 số định danh cá nhân. Hiện có 3 cơ quan thực hiện chức năng có liên quan đến mã số định danh cá nhân. Một là Ban cơ yếu Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm mã hóa toàn bộ vấn đề bảo mật. Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giúp việc truy cập, hệ thống hạ tầng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phục vụ cho toàn bộ hoạt động này. Thứ ba, cơ quan Công an sẽ thực hiện quản lý theo quy định Luật Cư trú đã giao theo quyền năng của mình. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nó được liên thông tất cả trên toàn quốc, có tính liên thông quốc tế trong vấn đề quản lý đối với công dân. Do đó, chúng ta sẽ cải cách được rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí giấy tờ như trước đây.

Phóng viên: Còn đối với việc đấu tranh phòng chống tội phạm, Căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ có tác dụng như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Nếu tất cả những người thực hiện hành vi phạm tội, trốn truy nã hay sự truy tìm của cơ quan chức năng, có thể thay hình đổi dạng nhưng với mã số định danh, Căn cước công dân có gắn chíp như vậy thì người thực thi công vụ chỉ cần nghi ngờ, kiểm tra trên mã số đó là có thể phát hiện anh ta đích thực có hành vi phạm tội chứ không cần con người trước mặt các cơ quan chức năng. Đây là hiệu quả rất lớn trong quản lý dân cư, giúp cho sự việc quản lý xã hội, phục vụ cho quá trình phát triển Chính phủ số.

Phóng viên: Từ 01/01/2021, Công an các địa phương sẽ bắt đầu triển khai thực hiện cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử. Vậy Thiếu tướng có chờ đợi gì để chúng ta có một hệ thống Cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác phục vụ công tác quản lý?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Chúng tôi được biết Cơ quan Công an là trụ cột thực hiện nhiệm vụ này. Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính, Cảnh sát khu vực và các lực lượng khác đã được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ, đang thực hiện nghiêm túc, tuân thủ các quy định để có nền tảng thông tin và Dữ liệu cá nhân về dân cư trên toàn quốc đầy đủ, chính xác để làm sao khi đã cập nhật và chạy trên nền tảng kỹ thuật số sẽ đảm bảo tính an toàn. Mỗi cán bộ chiến sỹ đang thực hiện hết mình, vì trách nhiệm của mình. Họ đang ngày đêm chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng được giao.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Thiếu tướng!

Khắc Phục