UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT AN NINH MẠNG

01/09/2017

Ngày 1/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tham dự Phiên họp.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng với các quy định cụ thể góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.

Theo đó, dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia không gian mạng có liên quan đến hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước CHXHCN Việt Nam.

Tại phiên họp, đa số ý kiến đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng; cho rằng, công nghệ thông tin và viễn thông trên thế giới đã có bước phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Do đó, việc ban hành Luật này không chỉ xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết hoặc tham gia. Các ý kiến tập trung thảo luận về tên gọi của Luật, phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản…

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tuy nhiên một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn quá rộng và chưa rõ ràng, cần xem xét lại giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật.

Về giải thích từ ngữ, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm an ninh mạng gắn bó mật thiết với phạm vi điều chỉnh và chi phối đến toàn bộ nội dung của dự thảo Luật nên đề nghị phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh gắn với xây dựng khái niệm an ninh mạng đúng đắn, chính xác, rõ ràng để làm trung tâm cho việc xây dựng các nội dung khác của dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, khái niệm an minh mạng theo dự thảo Luật là chưa rõ nội hàm của công tác này là bảo đảm thông tin, hệ thống thông tin hay bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên  họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị dự án luật, hồ sơ tương đối đầy đủ, chủ động chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án rất khó, liên quan đến môi trường mạng, nhiều nội dung mới phức tạp, nên cần nghiên cứu kỹ. Nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan đến Hiến pháp và nhiều Luật, pháp lệnh khác cần được rà soát kỹ, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, không trùng lặp với các luật khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu tại Phiên họp để tiếp thu, giải trình; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra sơ bộ để Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm căn cứ cho ý kiến.

Đặng Mai