Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam. Đã quy hoạch 23/23 cảng hàng không sân bay, tuy nhiên 1 số cảng ở tình trạng quá tải hoặc chưa khai thác hiệu quả. Năm 2018, tổng số chuyến bay điều hành đạt gần 900.000 chuyến. Trong những năm qua, đã thiết lập được hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững chắc, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh hàng không, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, hành khách. Đa số các vụ việc an ninh đều do lỗi vi phạm, cố ý hoặc vô ý của hành khách. Giai đoạn 2012-2018, đã ban hành hơn 2.200 quyết định xử phạt hành chính, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, hành vi vi phạm.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức hội nghị giám sát “việc thi hành chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng”
Nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống văn bản còn thiếu đồng bộ, việc thi hành pháp luật còn chưa được sơ kết định kỳ, tổng kết kịp thời. Vẫn để xảy ra sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu. Công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên an ninh hàng không còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng đảm bảo an ninh tại Cảng hàng không sân bay còn những bất cập. Công tác tuyên truyền về văn hóa an toàn hàng không vẫn còn hạn chế.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng công tác quản lý bay, kiểm soát đường bay dân dụng và quốc tế đã được phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giao thông Vận tải với các Bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, trước thực trạng thời gian gần đây liên tục xảy ra các sự việc về an ninh, an toàn hàng không, các ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đặt câu hỏi phải chăng là do tăng trưởng nóng của hãng. Cho ý kiến tại buổi giám sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Bộ Y tế cần báo cáo thêm về vấn đề sức khỏe của đội ngũ phi công, nhân viên hàng không: “Trong báo cáo chúng tôi đọc nhanh chưa có kết quả cụ thể việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý sức khỏe, nhất là quản lý sức khỏe của phi công,nhân viên quản lý bay. Chẳng hạn có vụ nhân viên quản lý bay ngủ gật, đề nghị các đồng chí cho biết hiện nay có những gì bất cập cần khắc phục?”.
Các đại biểu góp ý tại buổi giám sát
Một số ý kiến tại hội nghị cho rằng ngành Giao thông Vận tải cần thông tin rõ các sự việc để vừa tuyên truyền cho người dân về an ninh, an toàn hàng không, vừa nâng cao hiệu quả giám sát của người dân. Qua thực tế giám sát cho thấy công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên an ninh hàng không còn hạn chế. “Số lượng 3.081 nhân viên an ninh theo báo cáo, chúng tôi lo lắng về tính chuyên nghiệp của họ, từ cấp phép tuyển dụng, tập huấn nghiệp vụ, xử lý các thông tin về an toàn, an ninh hàng không”, ông Nguyễn Hồng Vân, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, một vấn đề khác được đặt ra đối với Bộ Giao thông Vận tải là khi sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cần tính toán đến địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không, trong đó nghiên cứu mô hình hoạt động để phù hợp với quốc tế, để lực lượng này độc lập xử lý các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không. “Tôi cho rằng cái này phải tính toán. Tôi đặt rất nặng địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ mô hình của lực lượng này như thế nào và quyền hạn của nó ra sao cần quy định ngay trong luật”, ông Khánh nhấn mạnh.
Khẳng định an ninh, an toàn hàng không không chỉ là của riêng lĩnh vực hàng không mà còn liên quan đến an ninh quốc gia, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vân tải cũng thừa nhận lực lượng an ninh hàng không hiện nay còn hạn chế. Chức năng, thẩm quyền của lực lượng này đang bất cấp. Nguồn nhân lực phi công, nhân viên không lưu, kỹ thuật vẫn thiếu.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cần quan tâm tới hệ thống tổ chức và địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không
Đánh giá cao sự phát triển của ngành hàng không, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ với những vất vả, áp lực mà ngành hàng không và lực lượng an ninh hàng không gặp phải khi lượng khách tăng nhanh. Tuy vậy với yêu cầu an toàn là trên nhất, Thượng tướng Võ Trọng Việt đề nghị cần quan đến 10 vấn đề, trong đó đầu tiên là hệ thống tổ chức và địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không: “Vị thế của an ninh hàng không chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Yêu cầu là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản rất lớn nhưng vị thế của an ninh hàng không còn rất thấp. Làm sao vị thế của lực lượng an ninh, an toàn hàng không trước sinh mạng của con người và tài sản lớn của đất nước thì nó phải ngang tầm, cái này phải nghiên cứu”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cần đầu tư hiện đại hơn, đồng bộ hơn, trang bị phương tiện, con người để kiểm tra, kiểm soát an an ninh, an toàn tốt hơn. Qua kiểm tra thực tiễn cho thấy, tại nhiều sân bay rất khập khiễng, không đồng bộ. Bên cạnh đó, cần duy trì, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ trước, trong và sau khi bay; không thể chủ quan vì các sự cố đáng tiếc xảy ra đều do không thực hiện theo đúng quy trình.
Trưởng đoàn giám sát cũng nêu rõ sự cần thiết thẩm tra, xác minh chặt chẽ đội ngũ phi công, nhất là phi công nước ngoài, các bộ phận trọng yếu để đảm bảo tuyệt đối an toàn về chính trị và chuyên môn kỹ thuật. Những sơ hở, thiếu sót ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không cần được khắc phục, cả về cơ chế chính sách và trong tổ chức thực hiện. Việc quy hoạch đất sân bay, hàng rào bảo vệ sân bay, chống lấn chiếm, mất an toàn cần được quan tâm chú ý hơn. Trước nguy cơ ản hưởng an toàn bay còn lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật tại các địa phương. Bên cạnh đó, có cơ chế tự chủ, phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ an ninh hàng không; có phương án, cơ chế phối hợp 4 tại chỗ để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, nhất là trong các tình huống ở cấp độ cao./.