Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

25/05/2016

Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 48.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                          Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị; nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong 5 năm qua, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 3/2016, cả nước đã có 1.761 xã, chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới; có 1.223 xã chiếm 13,7% đạt từ 15- 18 tiêu chí; 3.155 xã chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.123 xã chiếm 25,4% đạt từ 05-09 tiêu chí và chỉ còn 326 xã chiếm 3,9% dưới 5 tiêu chí. Điều kiện tại những địa phương đạt tiêu chí nông thôn mới đã cải thiện đáng kể, mức thu nhập bình quân năm 2011 là 16 triệu đồng, đến nay thu nhập bình quân tăng lên đạt 28,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng công tác triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; công tác tuyên truyền, vận động; các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ, đến nay cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; khoảng 556 nghìn hécta với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”; khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, mô hình tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản, trang trại, gia trại... đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả; công tác ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã được đẩy mạnh trong lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình vẫn còn thấp nhiều so với thực tế; kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa đồng đều; công tác phối hợp giữa các ngành liên quan để ban hành các chính sách thiếu đồng bộ, còn mang tính độc lập theo quản lý ngành; một số địa phương, triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế…

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, muốn xây dựng được nông thôn mới thì vấn đề nguồn nhân lực cho nông thôn là rất quan trọng. Do đó, báo cáo cần đánh giá một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn về vấn đề nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền đề nghị, cần phải sửa đổi đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho phù hợp với việc xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Đề án của Chính phủ cho đến năm 2020 phải đạt mục tiêu đào tạo nghề cho 10,6 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, chúng ta mới đào tạo được khoảng 4,1 triệu lao động. Trong số lao động đã được đào tào này liệu chất lượng lao động đã thực sự được nâng lên hay chưa, hay chỉ là số liệu hình thức?

Trưởng ban Dân nguyện phân tích, đối với một nước nông nghiệp như nước ta, tỷ lệ lao động nông thôn chiếm rất lớn, chủ yếu là lao động chưa được qua đào tạo, năng suất và hiệu quả của lao động chưa cao. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo cụ thể cho lao động nông nghiệp, không chỉ là lao động thường xuyên mà còn phải có chương trình đào tạo trong các hệ chính quy từ trung cấp, cao đẳng, đại học để nâng cao trình độ và năng suất lao động, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo cũng cần phải chỉ ra được vấn đề sử dụng sau đào tạo như thế nào. Thực tế nhiều khi lao động đào tạo ra lại đi làm trái ngành trái nghề mà mình được đào tạo, vừa lãng phí quá trình đào tạo mà dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao. Thực tế đó cũng nói lên trách nhiệm của các bộ ngành trong việc liên kết đào tạo, sử dụng lao động chưa thật sự hiệu quả- Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị báo cáo cần phân tích rõ hơn về vấn đề này.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, báo cáo cần bổ sung việc đánh giá vai trò và tác động của hợp tác xã nông nghiệp trong việc thay đổi bộ mặt của nông thôn.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích, để xây dựng nông thôn mới thì xã đó phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đây vừa là công cụ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần tạo điều kiện phát huy nội lực rất hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt những năm gần đây, gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.

Các hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân. Thực tế, khi tham gia hợp tác xã, các thành viên được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của Nhà nước về tài chính, tín dụng, thuế. Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Điều này được thể hiện rõ nhất khi hợp tác xã làm ăn tốt sẽ tăng thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp có đề cập đến sự liên hợp 3 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong báo cáo giám sát lại chưa có sự đánh giá về kết quả của sự phối hợp này. Hơn nữa, “doanh nghiệp” và “nông dân” là 2 tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, “doanh nghiệp” là đầu tàu, là động cơ của mối liên kết, giữ vai trò quan trọng liên kết "2 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm đầu cho nông dân; dự báo định hướng thị trường cho nông dân sản xuất, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần bổ sung nội dung này vào báo cáo giám sát.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá rất cao sự cố gắng của Đoàn giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, của các bộ, ngành địa phương đã phục vụ tốt cho cuộc giám sát này. Chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng bước đầu Đoàn giám sát đã có báo cáo giám sát khá toàn diện, đầy đủ, phản ánh trung thực tình hình thực hiện pháp luật, nghị quyết và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại nông nghiệp.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng Báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đặc biệt phải tập trung vào làm rõ vấn đề như: tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất; vấn đề gắn với đô thị hóa, vấn đề huy động nguồn lực, vấn đề tác động của nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như tác động của các chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua. Đoàn giám sát cần tiếp tục bám sát vào kế hoạch, giám sát tiếp các bộ, ngành, địa phương nằm trong kế hoạch giám sát.

Đoàn giám sát cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng Báo cáo giám sát chặt chẽ hơn và có những nhận định đánh giá sâu sắc và có những minh chứng kèm theo. Đặc biệt, báo cáo cần làm rõ hơn về hiệu quả, kết quả đạt được cũng như chỉ ra những nguyên nhân yếu kém và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chương trình, từ trách nhiệm của Quốc hội đến trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương; hoàn chỉnh báo cáo này để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 9 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2.

Nguyễn Phương- Hồ Hương