Giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc qia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp

13/04/2016

Sáng 13/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc qia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu chủ trì buổi làm việc.

Có sự hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc qia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp, bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đã được hình thành đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành được 18 Quyết định, 3 chỉ thị và văn bản chỉ đạo; các Bộ, ngành đã ban hành 35 Quyết định, 34 Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách, nội dung chương trình, đồng thời chủ động rà soát và điều chỉnh các quy định, văn bản hướng dẫn chuyên ngành cho phù hợp với thực tế…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày báo cáo            Ảnh: Đình Nam

Bộ trưởng cho biết, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã triển khai được 40 nhiệm vụ, gồm 26 đề tài và 14 dự án, góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới ở nước ta, làm rõ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở nước ta, chuyển giao được 105 công nghệ vào sản xuất…

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành như: chính sách về quản lý đất lúa, hỗ trợ chuyển đổi từ lúa sang đất trồng hoa màu, tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, thủy sản, chính sách tín dụng, thuế với nhiều ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, có nhiều tỉnh, thành phố, địa phương cũng đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là chính sách cấp xi măng, ống cống để người dân tự làm đường ở Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; chính sách hỗ trợ đồn điền, mua máy móc công nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Tĩnh, Lâm Đồng…

Bộ mặt nông thôn có bước chuyển biến lớn

Báo cáo chỉ rõ, trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển vượt bậc, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Đến nay, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.223 xã đạt 15-18 tiêu chí, 3.155 xã đạt 10-14 tiêu chí, 2.123 xã đạt 5-9 tiêu chí và chỉ có 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Một số địa phương đạt tiêu chí nông thôn sớm hơn dự kiến cho thấy bước phát triển quan trọng về chất của Chương trình.

Đáng chú ý, hệ thống giao thông, điện, trường học, y tế, giáo dục… ở nông thôn đã có sự phát triển rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Cả nước đã xây dựng mới được 47.436 km đường giao thông các loại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, tăng tới 10.251 km so với cả giai đoạn 2001- 2010; các thôn, bản vùng cao chưa có điện nay đã được hỗ trợ bằng máy phát điện nhỏ; xây dựng được 4.998 Trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã, 54.391 nhà văn hóa ở các thôn, bản, ấp; xây dựng hệ thống trạm y tế ở hầu hết các xã…

Nước sạch, an ninh, đời sống tinh thần ở nông thôn cần được quan tâm hơn

Thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo đã phản ánh tương đối đầy đủ các nội dung về việc thực hiện Chương trình nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2010- 2015. Tuy nhiên, vấn đề về nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nước sạch chưa được đề cập đến trong báo cáo. Đoàn giám sát cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, vấn đề duy trì đủ lượng nước cho sản xuất là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nguồn tài nguyên nước thay đổi nước từ thượng nguồn sông do tan băng, phát triển đập thủy điện, xây dựng các khu công nghiệp dọc dòng sông, khai thác nước ngầm… đã tác động làm chuyển đổi dòng chảy, gây ra lũ, khô hạn làm ảnh hưởng mạnh đến lưu lượng, chất lượng nước trên sông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các đại biểu cho rằng, Bên cạnh những vấn đề về tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy lợi, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác công trình thủy lợi, quản lý an toàn đập đã được nêu trong Báo cáo, Chính phủ cần thống kê được cụ thể số liệu về an toàn nước sạch trong sản xuất nông nghiệp.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần phải bổ sung thêm việc đánh giá về tình hình an ninh nông thôn trong Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đem lại cho các vùng nông thôn nhiều thành tựu, thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tình hình an ninh thì có chiều hướng phức tạp hơn. Tại các bản làng, các xã vẫn còn tồn tại những hiện tượng tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự công cộng, đặc biệt ở những vùng biên giới còn có hiện tượng buôn bán trái phép. Tuy rằng trong Báo cáo có chỉ ra, đến nay đã có 93,7% số xã trên cả nước đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội nhưng không có số liệu cụ thể về hiện trạng nên thiếu tính thuyết phục.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, và người nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi hài hòa được sự phát triển về kinh tế lẫn đời sống tinh thần của người dân.

Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay có rất nhiều địa phương đã đảm bảo được các tiêu chí về kinh tế, cơ sở hạ tầng phát triển tốt, hệt hống điện, đường, trường, trạm, chợ… rất đầy đủ nhưng cơ cấu dân số lại mất cân đối. Tại các địa phương đó, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, những người trong độ tuổi thanh niên đều đi làm xa, đặc biệt là đi lao động nước ngoài. Vì vậy, các thành viên trong Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ thêm về tác động của chương trình mục tiêu quốc gia, đổi mới nông thôn đối với đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình ở các làng, xã.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, các vấn đề về tam nông cần phải được giải quyết một cách đồng bộ và toàn diện. Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được kết quả cao nhất khi các mục tiêu đặt ra phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của từng vùng dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao, linh động của các bộ ngành trên cơ sở một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, sau buổi làm việc hôm nay, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thành lập 3 đoàn giám sát đến làm việc tại các địa phương để nắm bắt tình hính cụ thể. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Đoàn giám sát và hoàn thành báo cáo lần 2 về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc qia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp trước ngày 10/5.

Nguyễn Phương- Hồ Hương