HÌNH ẢNH ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN FREELAND – AIPA VỀ NGĂN NGỪA ĐẠI DỊCH THÔNG QUA CÁCH TIẾP CẬN MỘT SỨC KHỎE

07/07/2021

Chiều 07/7, theo giờ Hà Nội, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia Hội thảo trực tuyến do AIPA và Freeland phối hợp tổ chức với chủ đề “Ngăn ngừa đại dịch thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe”.

 

Hội thảo có sự tham gia của Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; Chủ tịch quốc tế, Giám đốc Điều hành của Quỹ Freeland Steve Galster và các đại biểu của các nghị viện thành viên AIPA, các phái đoàn quan sát viên, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế và khu vực. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có sự tham dự của Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ cùng các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội.

Tại hội thảo các đại biểu nghe trình bày tham luận và tập trung thảo luận về vai trò của ASEAN trong phòng chống đại dịch ở khu vực, nguồn gốc của đại dịch (nguồn gốc của sự bùng phát dịch bệnh từ động vật), cách ngăn chặn đại dịch, việc giảm các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã, lộ trình phòng ngừa; các công cụ và nguồn lực thực hiện như công cụ pháp lý các luật hiện có và những khoảng trống cần lấp đầy để giải quyết rủi ro; công cụ tài chính nhằm thực hiện các biện pháp giảm thiểu đại dịch và điều chỉnh các chương trình phục hồi.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo tổ chức bằng hình thức trực tuyến

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, hội thảo trực tuyến lần này tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đại dịch Covid - 19 và thúc đẩy các giải pháp lâu dài để ngăn chặn đại dịch trong tương lai, đồng thời đảm bảo một môi trường an toàn và lành mạnh hơn thông qua "Phương pháp tiếp cận Một sức khỏe"

Tại hội thảo các đại biểu nghe trình bày tham luận và tập trung thảo luận về vai trò của ASEAN trong phòng chống đại dịch ở khu vực, nguồn gốc của đại dịch (nguồn gốc của sự bùng phát dịch bệnh từ động vật), cách ngăn chặn đại dịch, việc giảm các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã, lộ trình phòng ngừa; các công cụ và nguồn lực thực hiện như công cụ pháp lý các luật hiện có và những khoảng trống cần lấp đầy để giải quyết rủi ro; công cụ tài chính nhằm thực hiện các biện pháp giảm thiểu đại dịch và điều chỉnh các chương trình phục hồi

Tiếp tục thể hiện là một thành viên tích cực của AIPA, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung hội thảo. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng các nước thành viên và các chuyên gia trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các nghị viện thành viên AIPA trong nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa các nguồn gốc của đại dịch mang tính gốc rễ, đặc biệt trong bối cảnh khu vực, thế giới đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát đại dịch COVID-19

 Bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo về nguy cơ của việc buôn bán động vật hoang dã, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ đặt câu hỏi về giải pháp nào đối với quốc gia cho vấn đề này trong bối cảnh thiết hụt ngân sách và cho rằng bất cứ giải pháp nào cũng nên xuất phát từ con người và vì con người

“Một sức khỏe” là cách tiếp cận đang thu hút được nhiều sự chú ý ở các diễn đàn khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế để đạt được sức khỏe tối ưu cho người, động vật và môi trường. Đây là khái niệm rộng, phản ánh bất kì mối quan hệ nào giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Từ góc độ y tế công cộng, mục tiêu cuối cùng của “Cách tiếp cận Một sức khỏe” là làm thế nào để có một sức khỏe con người tốt nhất. Hay nói cách khác, sức khỏe con người được coi là trung tâm và được đặt trong mối quan hệ với sức khỏe động vật và môi trường...

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Y tế đã từng được các tổ chức quốc tế như WHO, FAO, OIE đánh giá là đã phối hợp tốt với nhau và kiểm soát thành công các đợt dịch bệnh như SARS và cúm H5N1 và nay là COVID-19

Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, và Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của bệnh truyền nhiễm, nơi chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tăng dân số, đô thị hóa, di chuyển, và những thay đổi của môi trường. Để giải quyết được một vấn đề sức khỏe phức tạp hiệu quả và bền vững, cần thiết hợp tác xuyên ngành, các quy định mang tính pháp lý cao, các biện pháp tài chính, những người được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành

Minh Thành