ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ ĐỐI THOẠI TRỰC TUYẾN EP-AIPA

22/06/2021

Chiều ngày 22/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên đối thoại trực tuyến giữa Nghị viện châu Âu (EP) và Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên đối thoại trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng.

Phiên đối thoại trực tuyến có sự tham gia của Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và gần 40 đại biểu là thành viên của các nghị viện các nước thành viên ASEAN, các thành viên của Nghị viện châu Âu và đại diện các tổ chức liên quan.  

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đối thoại trực tuyến EP-AIPA

Nhằm tăng cường quan hệ EU-ASEAN thông qua hoạt động của các nghị viện, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa EP và AIPA, hai bên đã thống nhất thiết lập Đối thoại liên khu vực EP-AIPA. Đây được coi là bước đi chiến lược để hỗ trợ và đồng hành với việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN. Trong bối cảnh đó, Phiên đối thoại EP-AIPA đầu tiên được khởi động và chọn hai chủ đề thảo luận phù hợp nhất hiện nay. Một là: Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch. Hai là: Tương lai của quan hệ thương mại EU-ASEAN.

Thảo luận về chủ đề "Ứng phó với Covid-19: Giảm thiếu những tác động tiêu cực", các đại biểu đều thống nhất rằng đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi cuộc sống của nhiều người mà đã và đang làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và quốc gia. Các nước trong khối ASEAN và EU cũng không ngoại lệ. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021 ở mức 5,4%. Điều này sẽ làm cho GDP toàn cầu vào năm 2021 thấp hơn 6,5% so với dự kiến ​​trước đại dịch COVID-19. Các số liệu thống kê cho thấy rõ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với các hoạt động kinh tế.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN. Trong khi tổng kim ngạch thương mại của EU với các nước ASEAN tăng đáng kể từ năm 2010 đến năm 2019, tuy nhiên lại giảm vào năm 2020. Xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng từ 54 tỷ euro năm 2010 lên 85 tỷ euro năm 2019 và sau đó giảm 16 tỷ euro xuống 69 tỷ euro vào năm 2020. Nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng từ 72 tỷ euro lên 125 tỷ euro vào năm 2019 và sau đó giảm mạnh bởi 5 tỷ euro chỉ còn 120 tỷ euro vào năm 2020. Thâm hụt thương mại đã tăng từ 18 tỷ euro năm 2010 lên 51 tỷ euro vào năm 2020.

Mỗi quốc gia có chiến lược riêng trong việc đối phó với đại dịch, riêng lẻ hoặc tập thể, trong nội bộ và liên khu vực. Mặc dù gặp khó khăn như nhau, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp tương đối hiệu quả hơn những quốc gia khác trong cả việc ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh.

Nghị sỹ Daniel Caspary điều hành phiên thảo luận về "Ứng phó với đại dịch Covid-19: Giảm thiểu những tác động tiêu cực"

Việt Nam được các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu nhắc đến như là ví dụ điển hình trong ứng phó với đại dịch, nhanh chóng kiểm soát các đợt dịch và giảm thiểu các tác động về kinh tế, là điểm sáng trong khu vực ASEAN bên cạnh Singapore. Việt Nam ghi nhận số ít trường hợp mắc bệnh nặng với tỷ lệ tử vong chỉ là 1,7%, mặc dù có đường biên giới dài với Trung Quốc và dân số gần 96 triệu người. Đồng thời Việt Nam cũng tương đối thành công trong việc giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế.

Ở cấp khu vực, ASEAN đã thông qua Khuôn khổ phục hồi toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, đóng vai trò như một chiến lược tập thể nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặt khác, EU đã thành lập Quỹ Phục hồi để phục hồi kinh tế và xã hội của EU trong và sau đại dịch Covid -19 trị giá 750 tỷ euro. EU cũng đã phân bổ hơn 800 triệu euro để giúp các nước ASEAN đối phó với cuộc khủng hoảng Covid -19.

Trong lĩnh vực lập pháp, đại dịch đã làm chậm lại và thậm chí đóng cửa hoàn toàn các hoạt động của nghị viện bao gồm cả ngoại giao nghị viện. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng thách thức sự tương tác giữa các nhánh lập pháp và hành pháp. Các đại biểu bày tỏ lo ngại các nghị viện ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong tình hình này trong khi hành pháp dẫn đầu trong việc hoạch định chính sách. Do đó, trong tình hình này, sự giám sát của Quốc hội/nghị viện đối với Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Trong những thời điểm khủng hoảng, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Đôn Tuấn Phong nêu rõ, hơn 1 năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu, tác động nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại dịch COVID-19 cũng là lời cảnh tỉnh để chúng ta cùng nhìn lại và tiến hành những thay đổi cần thiết trong xây dựng định hướng phát triển, chính sách và tổ chức triển khai chính sách nhằm mục tiêu phát biểu bền vững ở mỗi quốc gia và đổi mới hợp tác quốc tế để ngăn chặn những tình huống khẩn cấp tương tự đại dịch COVID-19.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Đôn Tuấn Phong phát biểu trong phiên Đối thoại

Tại Việt Nam, việc phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt từ rất sớm với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Quốc hội Việt Nam cũng đồng hành với Chính phủ thông qua nhiều hình thức.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại phiên đối thoại nêu rõ, hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp và nghiêm trọng. Việt Nam kiên trì triển khai các biện pháp một cách chủ động, linh hoạt thích ứng để đạt mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế.

Việt Nam đưa ra đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, duy trì hàn gắn những đứt gãy của các chuỗi cung ứng, thúc đẩy kinh tế sáng tạo, kết nối, kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vắc-xin có cơ chế chia sẻ vắc-xin, tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển được tiếp cận công bằng, kịp thời vắc-xin và các trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý; Ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 để vắc xin sớm được phổ biến rộng rãi đến tất cả các nước trên thế giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và cũng sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để vượt qua đại dịch, đóng góp xây dựng một thế giới an toàn và thịnh vượng.

Ngoài ra, tại phiên đối thoại, thảo luận về chủ đề “Tương lai của thương mại EU-ASEAN: Từ cách tiếp cận song phương đến khu vực”, các đại biểu đều khẳng định ASEAN và EU đã là những đối tác rất quan trọng. Ngoài quan hệ kinh tế và thương mại, EU đặt mục tiêu nâng cấp quan hệ EU-ASEAN lên Đối tác chiến lược nhằm làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ này bằng cách thúc đẩy các lợi ích chung dựa trên các giá trị chung. Do đó, kỳ vọng về một FTA giữa EU và ASEAN, làm sao để gia tăng và tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư hai chiều giữa hai khu vực thông qua Hiệp định thương mại tự do EU-ASEAN.

Phiên đối thoại lần đầu tiên với hình thức trực tuyến này sẽ là tiền đề cho cam kết từ các nghị sĩ về một cuộc họp thường niên, ngoài cuộc họp diễn ra tại Đại hội đồng, để thảo luận sâu sắc và cởi mở về các vấn đề mà cả hai khu vực quan tâm. Cùng với đó, Đối thoại EU-AIPA là cơ hội để các đại biểu quốc hội của cả hai khu vực thảo luận và hợp tác; nâng cao nhận thức và vai trò của các nghị sỹ với tư cách là các nhà lập pháp và là tác nhân của hoạt động ngoại giao nghị viện; đồng thời phát triển mạng lưới giữa các nghị sĩ của EP và AIPA, nhằm thúc đẩy và phát triển hợp tác liên khu vực và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Dự kiến sau phiên đối thoại, hai bên sẽ có Báo cáo chung về Đối thoại Liên Nghị viện EP-AIPA lần thứ nhất, bao gồm các bước tiếp theo để theo đuổi nhằm thể chế hóa Đối thoại; Thông cáo báo chí chung về Đối thoại Nghị viện Liên khu vực EP-AIPA lần thứ nhất; Đầu mối liên hệ của nhóm Nghị viện liên khu vực EP-AIPA./.

Bảo Yến - Minh Thành