Toàn cảnh Phiên họp.
Đến dự Phiên họp còn có Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội. Báo cáo sơ bộ về tình hình triển khai xây dựng Đề án, Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát Trịnh Ngọc Đức cho biết: Ngày 18/3/2022, Tổ biên tập đã tham mưu Ban Chỉ đạo gửi văn bản xin ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ về dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Đến ngày 04/4/2022, Ban Chỉ đạo Đề án đã nhận được 185 văn bản góp ý của 52 đại biểu Quốc hội, 12 cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 22 Bộ, ngành, 57 Đoàn đại biểu Quốc hội và 42 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát Trịnh Ngọc Đức báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Đề án tại Phiên họp.
Về cơ bản, các ý kiến đều đồng tình với dự thảo Đề án và cho rằng dự thảo Đề án được xây dựng công phu, tổng kết, đánh giá nhiều nội dung liên quan tới công tác thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Tổ biên tập cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp chi tiết vào từng nội dung cụ thể của kiến nghị đổi mới. Với khối lượng ý kiến rất lớn và trong thời gian gấp, Tổ biên tập đã tiến hành tổng hợp sơ bộ, nghiên cứu để tiếp thu, giải trình bước đầu các ý kiến đóng góp.
Trên cơ sở đó, Tổ biên tập đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý để xây dựng dự thảo Tờ trình về Đề án và dự thảo Nghị quyết về một số đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung: Bố trí một phiên họp riêng để Quốc hội xem xét các báo cáo về ngân sách Nhà nước; Xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tiêu cực; Thời gian tổ chức chất vấn, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn; Việc đưa ra cam kết về thời hạn khắc phục bất cập, hạn chế đối với vấn đề chất vấn; Giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân nguyện hàng năm; Thời gian tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan; Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hoạt động giải trình; Trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần đổi mới trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, liên thông với cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Phiên họp.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các đại biểu đóng góp cho Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh Đề án phải có đầy đủ Tờ trình, hồ sơ, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cũng thống nhất với các đại biểu là cần tiếp tục nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội và chất vấn tại các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người trả lời chất vấn có trách nhiệm làm rõ và cam kết đưa ra các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo hàng tháng về công tác dân nguyện, lập danh sách các vụ việc tồn đọng để xem xét, giám sát; đồng thời tăng cường hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của nhân dân, cử tri vào hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án cần nghiên cứu kỹ, tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên, đại biểu để có thể hoàn thiện Báo cáo thẩm tra kịp thời và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
** Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của Phiên họp:
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập công tác tiếp thu, giải trình của đại biểu Quốc hội, cơ quan về dự thảo Đề án.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đóng góp về hồ sơ đề án cũng như một số đổi mới trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho ý kiến về kỳ họp riêng của Quốc hội để xem xét các báo cáo về ngân sách Nhà nước.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đề cập về giám sát chuyên đề.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh đóng góp ý kiến về xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tiêu cực.
Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đề cập về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn cần bám sát những những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Phiên họp.