Tham dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết: Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội có chức năng tham mưu, phục vụ triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 6 nhiệm vụ chính. Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV, tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội… Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động tham mưu điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành giám sát cho phù hợp với thực tiễn với các nội dung công việc cụ thể như: Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề; Giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Trong thời gian tới, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; Các đề cương báo cáo của 04 Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và ban hành Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Tham mưu theo dõi, đôn đốc, tổ chức tổng hợp các kiến nghị giám sát; Tham mưu phục vụ công tác báo cáo tổng hợp, công tác điều hòa hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.
Vụ trưởng Vụ hoạt động giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Đối với Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, nhiệm vụ tới đây của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội là xây dựng kế hoạch chi tiết, đề cương Đề án, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập; Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất về nội dung của Đề án tại phiên họp tháng 01/2022 và cho ý kiến lần cuối tại phiên họp tháng 4/2022.
Hiện nay Vụ phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội, có 11 người, trong đó 2 lãnh đạo Vụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các Ủy ban. Đây là cơ quan đầu mối liên quan đến tất cả những hoạt động phục vụ Đoàn trừ nội dung. Trước yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát, các ý kiến cho rằng đây là áp lực đối Vụ phục vụ hoạt động giám sát về nâng cao hoạt động, đòi hỏi cần được quan tâm hơn về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung Tổng Thư ký Quốc hội giao trong thời gian tới.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, để giám sát đạt hiệu quả, thuyết phục, giám sát thực sự có dấu ấn, hoạt động giám sát của Quốc hội được nâng cao thì thông qua giám sát phải chỉ ra được những vấn đề, thậm chí những vi phạm trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Hiện nay, chất vấn ở kỳ họp Quốc hội được thực hiện tương đối tốt nhưng chất vấn ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các cuộc giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn ít, cần được tham mưu đẩy mạnh hơn. Thậm chí đối với các vấn đề “nóng” ở các Bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu phải đứng ra giải trình.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đồng tình cần thực hiện giám sát đến cùng, đặc biệt là phải kiểm tra, thực hiện hậu giám sát.
“Hiện theo hướng tất cả các bộ ngành, địa phương phải có báo cáo theo đề cương xây dựng. Bước thứ hai là giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội đấy phải giám sát và chịu trách nhiệm về nội dung đó, yêu cầu cả Hội đồng nhân dân giám sát nội dung đó, chịu trách nhiệm về cái này rồi gửi về đây, sau đó tổng hợp lại, địa phương nào có nhiều vấn đề thì mới đi giám sát, đưa ra kết luận và thông tin cho báo chí, như vậy thì việc giám sát mới mang tính tổng thể toàn quốc”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần tiếp tục yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban giám sát và báo cáo, trong đó có những vấn đề như nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, tăng cường hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân. Về vấn đề hậu giám sát, đề nghị rà soát lại việc thực hiện các Kết luận giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, trong đó phải chỉ ra “địa chỉ”, nơi nào còn yếu hay không thực hiện.
Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng chỉ ra nhiệm vụ Vụ phục vụ hoạt động giám sát cần tập trung tham mưu gồm: Xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để báo cáo Quốc hội cho ý kiến; tham mưu tổ chức tốt 4 đoàn giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu kết luận nội dung làm việc
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương, đánh giá cao những kết quả Vụ phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát của Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày càng cao. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động đó suy cho cùng lại phụ thuộc vào chất lượng giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ngay cả giám sát tối cao của Quốc hội tại nghị trường, để chuẩn bị cho hoạt động đó là cả quá trình làm việc hết sức nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, vì vậy hoạt động giám sát của Quốc hội phải làm sao để nâng cao vị thế của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Giám sát của Quốc hội là vấn đề cần được giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn, đặt trong mối quan hệ biện chứng với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa các cơ quan của Quốc hội.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ khóa XIV đã làm tốt rồi, giám sát trong nhiệm kỳ khóa XV phải làm tốt hơn nữa. Thứ hai là phải tạo dấu ấn, sức lan tỏa, cảm hứng hành động, sáng tạo. Giám sát phải đúng, trúng, chỉ rõ địa điểm, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất được sửa đổi chính sách pháp luật”.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với ý kiến về việc thực hiện Kế hoạch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát văn bản quy phạm pháp luật chi tiết. Để đảm bảo tiến độ xây dựng kế hoạch, đề cương, phân công xây dựng nội dung Đề án “Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đây là đề án gốc rất quan trọng, phải gắn Đề án này với Đề án về đổi mới chung của Quốc hội, trong đó có lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời quan tâm thêm công tác dân nguyện và gắn với Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Khi có các luật, quy định pháp luật, trên cở sở kinh nghiệm và phương thức hoạt động sẽ tạo ra dư địa để đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
“Chúng ta phải gắn các đề án này lại với nhau. Tôi đề nghị theo hướng xây dựng Đề án đổi mới hoạt động thì tính cả đổi mới thể chế như thế nào, đổi mới cả tổ chức và chất lượng nguồn nhân lực, phương thức hoạt động. Dựa trên kinh nghiệm khóa XIV, ta tính đưa vào đây luật gì? Sửa cái gì? Cái gì cần phải phát triển làm mới? Đây chính là chúng ta xây dựng luật. Từ cái gốc, cơ sở này, chúng ta làm các luật khác cho hiệu quả”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; ban hành 2 Nghị quyết về thành lập đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó thành phần đoàn giám sát là những người có kinh nghiệm trong hoạt động này. Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh: “Việc triển khai giám sát phải có trọng điểm, “không tham nhiều”, làm đâu trúng đấy, có hiệu quả, dấu ấn, có sức lan tỏa mẫu mực cho hoạt động giám sát của các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, và Hội đồng nhân dân. Vì đây là giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì phải mẫu mực, phải dồn sức vào làm cho tốt”.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan truyền thông của Quốc hội.
Ghi nhận tâm huyết của cán bộ lãnh đạo, công chức Vụ phục vụ hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tới đây./.