Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

09/09/2024

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH với Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào sáng 9/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Báo cáo của Chính phủ cần phân tích kỹ hơn các nhóm nguyên nhân cũng như hoàn thiện các nhóm giải pháp, gồm cả giải pháp chung và giải pháp riêng cho từng loại hình giao thông…

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023” làm việc với Chính phủ

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH với Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo khái quát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 cũng như dự thảo Báo cáo của UBTVQH về giám sát chuyên đề này.

Đa số các ý kiến nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thực hiện để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc chấp hành chủ trưởng, chính sách pháp luật về giao thông đường bộ cơ bản đạt kết quả tốt. Sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương rất quyết liệt, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực khá đầy đủ, toàn diện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Tai nạn giao thông trên các lĩnh vực tiếp tục được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm. Số lượng phương tiện vận tải tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông ngày càng được nâng cao.

Các thành viên Đoàn giám sát dự cuộc làm việc

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần rà soát lại kỹ thuật văn bản trong Báo cáo cũng như rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; một số tồn tại, bất cập, hạn chế và nguyên nhân ở từng lĩnh vực còn chung chung, dó đó cần được làm rõ và cụ thể hơn; các giải pháp cần rõ ràng hơn, có giải pháp chung và giải pháp riêng, đặc thù đối với từng lĩnh vực giao thông.

Tham gia góp ý tại cuộc họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận cho rằng, 8 hạn chế, 6 nguyên nhân, 7 giải pháp trong Báo cáo còn chung chung, đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đi sâu phân tích, làm rõ hơn, do đó cần làm rõ hơn hạn chế, nguyên nhân từng lĩnh vực giao thông cụ thể và có giải pháp đặc thù đối với từng lĩnh vực đó, từ đó làm rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tham gia giao thông thời gian qua dù đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn hình thức. Để chuyển hóa nhận thức của người dân tham gia giao thông từ sự bắt buộc trở thành ý thức tự giác, tự nguyện là vấn đề cần phải làm lâu dài. Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cùng quan tâm đến nguyên nhân và giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị cần xem xét lại nhận định về trách nhiệm của tỉnh, của địa phương hay trách nhiệm thuộc về ai trong việc quy hoạch tỉnh chỉ chú trọng đến giao thông đường bộ, chưa chú trọng đúng mức đến giao thông đường thủy, đường sắt… Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về giải pháp nêu trong Báo cáo, đề nghị Đoàn giám sát xem xét, cân nhắc việc quy trách nhiệm của người đứng đầu của địa phương sao cho phù hợp hơn. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng như nhiều cử tri cho rằng, nên chăng đã đến lúc cần có giải pháp để hạn chế sự gia tăng phương tiện ô tô cá nhân hiện nay để tránh tình trạng tắc nghẽn trên các quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là trong các dịp lễ tết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu

Nhìn chung, các ý kiến đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác giám sát thi hành pháp luật tỏng lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Một số ý kiến cũng góp ý về vấn đề đào tạo lái xe ô tô; về giải phóng mặt bằng khi xây dựng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ; về việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh...

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà các thành viên Đoàn giám sát nêu. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các ý kiến tham gia góp ý rất tâm huyết, thiết thực, góp phần giúp cho Chính phủ, Bộ GTVT  tiếp tục hoàn thiện Báo cáo cũng như hoàn thiện thể chế liên quan đến an toàn giao thông, thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GTVT và các địa phương, phối hợp tốt hơn với Quốc hội, các bộ ngành và các địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc

Sớm hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề để trình UBTVQH xem xét

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, cơ bản Đoàn giám sát tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, gồm cả báo cáo của Chính phủ, ý kiến tiếp thu, giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Sau cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Đoàn giám sát hoàn thiện sớm Báo cáo để gửi xin ý kiến Chính phủ kèm theo dự thảo Nghị quyết trước khi báo cáo UBTVQH.

Về đánh giá, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục bám sát mục đích, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch thành lập Đoàn giám sát, Đề cương; các báo cáo về nhận định, đánh giá cần cụ thể, xác thực hơn. Đối với đánh giá các loại hình giao thông cần cụ thể hơn; đối với đánh giá chung cần khẳng định được Chính phủ, các bộ ngành đã tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH thông qua nhiều bộ luật có tính chất quyết định. Vì vậy, hệ thống chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cần được hoàn thiện; chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp tích cực (như đối với quy hoạch 5 loại hình giao thông; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức người dân về an toàn giao thông và phối hợp với các bộ, ngành; đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở; công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát…).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần phân tích kỹ hơn các nhóm nguyên nhân, kể cả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng ý thức văn hóa, hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển các loại hình giao thông cũng như cần hoàn thiện các nhóm giải pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, Báo cáo cần bổ sung đánh giá về việc triển khai hai Luật đã được Quốc hội thông qua là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các Thông tư, Nghị định do Chính phủ ban hành sẽ được triển khai như thế nào…

Thứ hai, cần phân tích kỹ hơn các nhóm nguyên nhân, kể cả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng ý thức văn hóa giao thông, hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển các loại hình giao thông và khắc phục các hậu quả tiếp theo.

Đại diện lãnh đạo các bộ ngành dự cuộc làm việc

Thứ ba, hoàn thiện các nhóm giải pháp, gồm cả giải pháp chung và giải pháp cho từng loại hình giao thông như trong Báo cáo.

Thứ tư, thống nhất các nhóm kiến nghị đúng chức năng của Quốc hội, của Chính phủ, cụ thể các nội dung cả về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, về công tác quản lý giao thông, hạ tầng giao thông, về phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và khắc phục hậu quả mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT thay mặt Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành hoàn chỉnh Báo cáo của Chính phủ và làm rõ những vấn đề đã nêu, tham gia hoàn chỉnh Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết của UBTVQH. Đồng thời tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển và tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu sử dụng tàu bay không người lái (UAV) để phát triển giao thông hàng không.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu mở đầu cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát dự cuộc làm việc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo khái quát kết quả thưc hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc họp

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng tham gia góp ý về nguyên nhân, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường

Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải Khuất Việt Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi giải trình tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cuộc làm việc./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác