PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN CÓ Ý THỨC, HÀNH ĐỘNG, QUYẾT TÂM VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

19/06/2024

Phát biểu tại Phiên họp tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, điều quan trọng ở Luật này là quy định thế nào để phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy. Muốn phòng cháy thì cần phải có ý thức, hành động, quyết tâm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật lần này cần quy định để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và tính mạng của Nhân dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY, CỨU NẠN CỨU HỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân về PCCC

Phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 3 về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực để quy định cụ thể và huy động lực lượng toàn dân tham gia các phong trào PCCC với nhiều mô hình hay như mô hình “mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy” - mỗi gia đình một phương tiện chữa cháy thiết yếu, phong trào học tập kiến thức PCCC, đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung này lồng ghép trong các chương trình chính khóa. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn tiếp thu và thống nhất với mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân về PCCC vì liên quan đến tài sản và tính mạng của người dân. Đây là điểm mấu chốt nhất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật phải quy định để thiết kế các điều kiện bảo đảm, quy định về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước, quy định về hành vi nghiêm cấm, quy định về trách nhiệm của người dân về PCCC và CNCH… sao cho cụ thể.

Nhận thấy phạm vi điều chỉnh hiện rất rõ, nhưng qua thẩm tra dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có ý kiến băn khoăn về lực lượng CNCH có chồng chéo với lực lượng phòng thủ dân sự hay không? Qua trao đổi của các bộ ngành cho thấy, nội dung này không có sự chồng chéo. Bởi vì khi kích hoạt các tình huống phòng thủ dân sự, chức năng chỉ huy thuộc Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự, lực lượng này cũng là lực lượng nòng cốt trong cứu hộ cứu nạn, trong các tình huống phòng thủ dân sự cùng với lực lượng quân đội. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này quy định cụ thể để cứu hộ cứu nạn chủ yếu trong phòng cháy chữa cháy và sự cố tai nạn thông thường. Còn đối với sự cố có khả năng thành thảm họa, khi đó đã được kích hoạt các phương án của phòng thủ dân sự.

Giao thoa nhưng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng cần thiết kế trong Luật sao cho thể hiện sự giao thao nhưng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tại đây, nhất là chỉ huy điều hành giữa các lực lượng, không có sự lúng túng khi xảy ra sự cố. “Một sự cố tai nạn thông thường thì ai là người chỉ huy, ai là người phối hợp khi kích hoạt các tình huống phòng thủ dân sự thì quy định trong Luật này cần được chỉ rõ. Khi xảy ra sự cố tai nạn ban đầu, sự cố cháy nổ thì lực lượng PCCC chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự cùng tham gia. Còn khi kích hoạt tình huống phòng thủ dân sự ở các cấp độ thì lực lượng phòng thủ dân sự chỉ huy, còn lực lượng PCCC tham gia phối hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.

Nhấn mạnh điều quan trọng ở Luật này là quy định thế nào để phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, muốn phòng ngừa thì cần phải có ý thức, hành động, quyết tâm và các điều kiện bảo đảm. Nếu phòng ngừa cháy được thì các sự cố sẽ nhỏ hơn, không uy hiếp lớn đến tính mạng và tài sản của người dân. Luật lần này quy định để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tài sản và tính mạng của nhân dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến xung quanh vấn đề quy hoạch về PCCC và CNCH. Đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí nội dung quy hoạch về PCCC. Đồng thời việc phân công phối hợp thẩm định thiết kế, điều kiện, tiêu chuẩn công trình phải đảm bảo không chồng chéo giữa Bộ Công an, Bộ Xây dựng.

Các đại biểu tại Phiên họp

Cần quy định rõ loại hình nhà ở được kết hợp với kinh doanh

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều kiện PCCC với từng loại hình cơ sở như thế nào thì cần phải làm rõ, nhất là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Hiện khoản 1 và khoản 2 Điều 17 quy định còn đơn giản, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tách thành một điều riêng biệt.

“Quy định rõ loại nhà ở nào, diện tích bao nhiêu, kết cấu công trình thế nào thì mới được kinh doanh, trang bị các phương tiện PCCC rồi mới được kinh doanh. Khu dân cư nào, mật độ dân số ra sao, các điều kiện PCCC như thế nào thì mới được kinh doanh. Loại hình kinh doanh nào thì vừa ở vừa được kinh doanh. Mật độ bố trí hàng hóa như thế nào để khi cháy không trở thành thảm hỏa, ảnh hưởng đến nhiều người”, Phó Chủ tịch nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực tế hiện nay các nội dung này còn chưa quy định rõ, đo đó, Ban soạn thảo cần tính toán, nghiên cứu thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Liên quan đến trách nhiệm của các cấp trong PCCC, hiện dự thảo Luật quy định cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp chỉ huy PCCC vì theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành. Tuy nhiên, băn khoăn trách nhiệm của cấp thôn thì Luật quy định như thế nào, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, cần quy định rõ nếu có vụ cháy xảy ra thì ai là chỉ huy nếu trưởng thôn không có mặt kịp thời. Và thực tế cũng có rất nhiều lực lượng chỉ huy khi xảy ra cháy thì dự án Luật cần quy định rõ theo sự chỉ huy của lực lượng nào để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Đối với trách nhiệm của hộ gia đình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải giáo dục ý thức PCCC đối với người dân và các hộ gia đình với phương châm “phòng là chính”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần luật hóa các Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Nghị định 30/2017/NĐ-CP, Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, khái niệm “sự cố” cần quy định sao cho thống nhất giữa các luật, thế nào là “sự cố thảm họa”, “sự cố thông thường” cần phải quy định rõ, thống nhất. Nguồn lực phải tương xứng, chính sách phải bổ sung sao cho bao quát. Nhìn chung các chính sách và các quy định của Luật phải lấy chủ trương “phòng là chính”, cố gắng đảm bảo nguồn lực “4 tại chỗ”, trong đó xã hội hóa công tác PCCC, CNCH để khuyến khích các lực lượng tham gia, phát triển cơ sở dữ liệu ứng dụng khoa học công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có thể quy định điều khoản chuyển tiếp để giải quyết các bất cập trong thực tiễn hiện nay./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác