PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH ĐẮK LẮK VỀ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

19/07/2023

Chiều 19/7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND tỉnh Đắk Lắk.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI HUYỆN EAKAR, TỈNH ĐẮK LẮK VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội đối với Tây Nguyên và cả nước; là tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, có đường biên giới với Campuchia.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh được hỗ trợ để thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác kiện toàn bộ máy, tham mưu giúp việc thực hiện các Chương trình được quan tâm chỉ đạo. Việc thành lập 1 Ban chỉ đạo chung cho 3 Chương trình góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện; tạo sự liên kết có tính hệ thống và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh buổi làm việc

Tỉnh đã xác định các chỉ tiêu chính của các Chương trình đưa vào chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ, huy động, cân đối, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện nên đã góp phần vào việc triển khai hoàn thành một số chỉ tiêu được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia các năm 2021, 2022. Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các năm qua đều đạt tỷ lệ cao (kế hoạch năm 2021 đạt 99,9%; kế hoạch năm 2022 đến 30.6.2023 đạt 85,52%; kế hoạch năm 2023 đến 30.6.2023 đạt 55,83%).

UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, qua 2 năm triển khai các Chương trình giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình suy thoái kinh tế, diện mạo nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao. 

Các thành viên Đoàn giám sát

Trong quá trình triển khai các Chương trình, một số dự án thành phần, nội dung thành phần chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân do chưa có hướng dẫn đầy đủ hoặc vướng mắc khác nên địa phương chưa thể hoàn thiện cơ sở pháp lý để áp dụng. Nội dung, đối tượng các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, đặc biệt là Chương trình 1719, nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch, triển khai thực hiện và giải ngân.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra các vấn đề cần tiếp tục quan tâm, khắc phục. Đó là, một số địa phương cấp huyện, xã chưa thực sự đầu tư, quan tâm đến thực hiện Chương trình; việc phối hợp giữa các sở, ban ngành chưa thật nhịp nhàng, đồng thuận, thống nhất; cán bộ thực hiện các Chương trình tại cấp huyện, nhất là cấp xã còn kiêm nhiệm; Ban chỉ đạo chưa thực hiện đúng quy chế hoạt động. Đắk Lắk cũng chưa đánh giá được mức độ thực hiện hay khả năng hoàn thành các mục tiêu của cả 3 Chương trình; thậm chí có Chương trình đã thấy rõ khó có thể hoàn thành mục tiêu do không khả thi về nguồn lực được bố trí.

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Đắk Lắk đánh giá kết quả việc thực hiện các nguyên tắc, giải pháp, cơ chế quản lý từng Chương trình; thực hiện tốt các giải pháp mà tỉnh đã đề ra để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới. Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình; tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở ngành trong tổ chức triển khai.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần dự kiến mức độ thực hiện và khả năng hoàn thành của từng Chương trình tính đến các mốc hết 2023, 2024 và 2025 đối với từng dự án, nội dung thành phần. Xác định nguyên nhân, các yếu tố tác động để có biện pháp cụ thể giải ngân nguồn vốn Trung ương đã phân bổ năm 2021, 2022, 2023. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc tại các cấp; bảo đảm an ninh nông thôn, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của Tổ Công tác, của thành viên Đoàn giám sát; lập danh mục các nội dung còn vướng mắc và các kiến nghị cụ thể về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án để các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trao bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng UBND tỉnh Đắk Lắk

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trao ba bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các Lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã trao bốn bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng UBND tỉnh và các Lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác