PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: RÀ SOÁT BỘ TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI PHÙ HỢP VỚI TỪNG ĐỊA BÀN

08/05/2023

Chiều ngày 8/5, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đồng tình với cách tiếp cận xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên tinh thần nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; đề nghị rà soát lại bộ tiêu chí đảm bảo tương thích, phù hợp, nhất là tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với từng địa bàn, có lộ trình thực hiện cụ thể.

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI XÂY DỰNG “NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI, NÔNG DÂN VĂN MINH”

Một số tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, tính đến hết năm 2022, hệ thống văn bản từ Trung ương đến địa phương được ban hành khá lớn từ Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, văn bản chỉ đạo…, tạo cơ sở pháp lý quan trọng triển khai thực hiện Chương trình.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, đến quý IV/2022, Trung ương mới cơ bản hoàn thành văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đó cấp tỉnh mới ban hành các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 nên việc tổ chức thực hiện xây dựng NTM ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các mục tiêu của năm 2022.

Nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương liên quan đến Chương trình ban hành khá chậm, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia NTM các cấp giai đoạn 2021-2025; Nhiều Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện tiêu chí chưa cụ thể, còn chung chung gây lúng túng trong tổ chức thực hiện tại địa phương; Một số Bộ chưa hướng dẫn thực hiện, đánh giá một số chỉ tiêu liên quan trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; Nhiều chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, vùng miền

Về kết quả thực hiện các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tổ công tác đánh giá một số tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 như tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, tiêu chí số 16 về văn hóa; một số tiêu chí gần đạt được mục tiêu như: tiêu chí số 3 về thủy lợi, tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông... Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí thành phần được đánh giá là cần phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành như: tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…

Một số xã có nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận xã Nông thôn mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM các vùng miền cũng cho thấy còn có sự chênh lệch lớn gữa các vùng miền. Trên thực tế, đa số các tỉnh khi áp dụng Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung bổ sung mới, yêu cầu đạt chuẩn từng tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn giai đoạn 2016 -2020 thì phần lớn các xã đều bị tụt tiêu chí.

Một số xã không đảm bảo duy trì các tiêu chí đạt chuẩn, nhất là các xã khó khăn, do đó có nguy cơ cao bị thu hồi quyết định công nhận xã NTM. Các xã chưa đạt chuẩn NTM hầu hết là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn nên khả năng hoàn thành mục tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tiêu chí thu nhập, tiêu chí nghèo đa chiều.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai.

Có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức....).

Văn phòng điều phối NTM Trung ương (VPĐP NTM) và VPĐP NTM các cấp cũng đã được kiện toàn. Đến nay 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản kiện toàn VPĐP NTM cấp tỉnh, 09/63 tỉnh  tiếp tục duy trì VPĐP NTM như giai đoạn 2016-2020 và chưa có văn bản kiện toàn, 06/63 tỉnh, thành phố đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành . Các tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành kiện toàn hệ thống VPĐP NTM cấp huyện.

Tổ công tác của Đoàn giám sát đánh giá bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG cơ bản đã hoàn thành. Cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo CTMTQG xây dựng NTM từ Trung ương đến địa phương cơ bản kế thừa như giai đoạn trước. Tuy nhiên, mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo CTMTQG xây dựng NTM cấp tỉnh, cấp huyện chưa có sự thống nhất nên có những khó khăn nhất định.

Đánh giá tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản để có giải pháp cho giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận tại buổi làm việc đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã tích cực tham mưu Chính phủ ban hành 14 văn bản liên quan; Bộ ban hành 30 văn bản triển khai thực hiện.

Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực; phân bổ nguồn vốn, đặc biệt là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước, từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2021-2025. Trong 50 nội dung địa phương kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ kiến nghị nào đúng, đã giải đáp và tiếp thu ở mức độ nào, còn bao nhiêu nội dung còn phải tiếp tục sửa đổi văn bản hướng dẫn sau kiến nghị của địa phương.

Khẳng định cơ chế lồng ghép vốn là nội dung quan trọng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm về quá trình lồng ghép vốn, đặc biệt thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội không được trùng lắp với các chương trình khác. Bộ có đề xuất cơ chế và tiêu chí đặc thù gì cho các đơn vị ở khu vực biên giới, an toàn khu, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu quan điểm Chương trình MTQG xây dựng NTM là nền trảng cho hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nếu xác định đây là chương trình nền tảng, Bộ có đề xuất chính sách ưu tiên như thế nào để phát triển, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả hơn 2 chương trình còn lại.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về việc thực hiện chính sách liên quan đến chi trả tiền bảo vệ rừng trong năm 2021-2022; bên cạnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế, Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng cần ưu tiên hỗ trợ các tổ kinh tế hợp tác ở khu vực nông thôn tạo sự phát triển bứt phá ở khu vực này; đồng thời đánh giá kỹ hơn về tiêu chí về môi trường, tiêu chí khoa học công nghệ…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã giải trình một số nội dung đại biểu nêu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc đã phân tích thấu đáo, có cơ sở lý luận và thực tiễn; đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của bộ, ngành địa phương trong có có Bộ Nông nghiệp trong việc xác định tầm nhìn, triển khai, thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai tương đối nề nếp, có tầm nhìn mới hơn, tốc độ triển khai ở cơ sở hiệu quả hơn trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, có nhiều nét mới trong triển khai chương trình nhất là xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình mới. Với tư cách là cơ quan chủ quản Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tổng kết thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong giai đoạn trước để ban hành chính sách của giai đoạn 2021-2025.

Qua ý kiến Tổ công tác, thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu thu ý kiến tại hội nghị, phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của việc chậm ban hành, thiếu văn bản hướng dẫn, chồng chéo giữa văn bản của các bộ, ngành; tập trung phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các thông tư hướng dẫn chồng chéo, khó thực hiện tại cơ sở.

Đồng tình với cách tiếp cận xây dựng Chương trình trên tinh thần nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại bộ tiêu chí đảm bảo tương thích, phù hợp, nhất là tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với từng địa bàn, có lộ trình thực hiện cụ thể.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất thống nhất phương án thành lập Văn phòng điều phối nông thôn mới tuyến tỉnh, tuyến huyện cho phù hợp về tổ chức bộ máy và nhân lực thực hiện Chương trình; Xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện ở các địa phương và tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia Chương trình…

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.

Thành viên Đoàn giám sát.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Lan Hương - Minh Thành