PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA ỦY BAN PHÁP LUẬT VÀ BỘ NỘI VỤ

09/03/2023

Chiều 09/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự Hội nghị thường niên về công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI UBND TP.HÀ NỘI

Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, định kỳ hàng năm, Thường trực Ủy ban Pháp luật và lãnh đạo Bộ Nội vụ tổ chức cuộc làm việc để trao đổi về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác trong năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ và trong phạm vi lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hội nghị này được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, kế thừa tiền lệ về việc tổ chức làm việc, trao đổi nội dung công tác theo tinh thần chủ động từ sớm, từ xa đã được thống nhất giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ.

Báo cáo một số nội dung về công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, trong năm 2022, Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn quan trọng trên cả 03 mặt công tác gồm công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, hai cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các luật, nghị quyết như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính…

Trong công tác giám sát, hai cơ quan đã phối hợp tham mưu giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tổ chức thành công phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về: “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy báo cáo

Đánh giá chung về công tác phối hợp giữa hai cơ quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cả hai cơ quan đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp đã đề ra trong năm 2022, không có nhiệm vụ nào chậm trễ hoặc chưa hoàn thành. Các bên chủ động, tích cực trong việc trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến, chia sẻ khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác phối hợp được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc của cả hai cơ quan đều rất lớn, nhiều nội dung cấp bách, phát sinh ngoài kế hoạch nên việc bố trí lịch để lãnh đạo các cơ quan đều có thể tham gia họp, làm việc có nhiều khó khăn. Việc trao đổi, lấy ý kiến các bên còn hạn chế; hồ sơ, tài liệu nhiều khi còn gửi chậm so với quy định.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2022 và khắc phục các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai bên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong năm 2023 và các năm tiếp theo, hai bên tiếp tục quan tâm tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục về tiến độ, kế hoạch thực hiện, những khó khăn, vướng mắc (nếu có)... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phối hợp nghiên cứu, có giải pháp xử lý, khắc phục. Lắng nghe, cầu thị, sẵn sàng chia sẻ thông tin, chung sức khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm công việc đạt chất lượng cao. Tăng cường phối hợp tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát để phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của các bên.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh quá trình phối hợp giữa hai cơ quan đã đạt được bước tiến dài trong thời gian qua, góp phần rút ngắn thời gian triển khai, thực hiện công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo

Bày tỏ nhất trí với báo cáo công tác và nội dung biên bản ghi nhớ về việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Bộ Nội vụ trong thời gian qua với nhiều đổi mới quan trọng, có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban khác của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong những nội dung trọng điểm công tác, trước hết trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Kết luận số 48- KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp rà soát, sửa đổi Luật Lưu trữ; nghiên cứu rà soát các vấn đề liên quan đến Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Hoạt động chữ thập đỏ; nghiên cứu rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập… Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan tiếp tục thắt chặt mối quan hệ gắn kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác của hai cơ quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký kết biên bản ghi nhớ về các nội dung trọng tâm cần phối hợp thực hiện trong năm giữa hai cơ quan.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Hội nghị:

Quang cảnh Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Khắc Định đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong những nội dung trọng điểm công tác như việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; sắp xếp đơn vị hành chính; xử lý các vấn đề phát sinh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả công việc cao và tạo được thành quả cụ thể trong công tác xây dựng pháp luật cũng như các công tác khác của hai cơ quan

Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong hai cơ quan tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký kết biên bản ghi nhớ về các nội dung trọng tâm cần phối hợp thực hiện trong năm giữa hai cơ quan

Minh Hùng - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác