PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CÓ TÍNH CHIẾN LƯỢC

11/12/2023

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề xã hội.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC HỌP NHÓM 3 - BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 40 NĂM QUA Ở VIỆT NAM

Chiều 11/12 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó Trưởng nhóm 3 - Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm qua ở Việt Nam, Chủ nhiệm chuyên đề 5 “Phát triển xã hội bền vững, mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế” đã chủ trì cuộc họp nhằm góp ý hoàn thiện và thông qua báo cáo chuyên đề 5 của Ban Chỉ đạo.

Dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - thành viên nhóm chuyên đề 5; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng các đồng chí Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, thành viên nhóm chuyên đề 5, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó Trưởng nhóm 3 - Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm qua ở Việt Nam, Chủ nhiệm chuyên đề 5 chủ trì cuộc họp.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương

Báo cáo một số nội dung chính trong Chuyên đề 5 “Phát triển xã hội bền vững; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - thành viên nhóm chuyên đề 5 cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên tục tác động tới quản lý phát triển xã hội; mô hình, phương thức quản lý phát triển xã hội ở nước ta trên cả những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức. Sự phát triển trong nhận thức tư duy, sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về phát triển xã hội; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội có thể hệ thống hóa lại là sự phát triển từ quan điểm chú trọng phát triển xã hội đơn chiều đến quan điểm phát triển xã hội bền vững. Trước Đại hội VI, Đảng ta nhấn mạnh đến tiến bộ và công bằng xã hội; Đại hội VI, VII, VIII, Đảng ta khuyến khích làm giàu, chấp nhận phân hóa; Đại hội XI, X và XI Đảng ta xác định gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết tiến bộ, công bằng xã hội; Đại hội XII, XIII, Đảng ta nhấn mạnh đến phát triển xã hội bền vững.

Sự đột phá trong lý luận về phát triển xã hội bền vững; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế được thể hiện rõ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đối với lý luận về mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định quản lý phát triển xã hội bền vững bao hàm nội dung phức tạp, đó là quá trình quản lý quá trình phát triển xã hội hướng tới tính bền vững, tức là trong mục tiêu và chính sách, không chỉ quan tâm đến các thành quả của tiến bộ xã hội mà còn đặc biệt chú ý đến khía cạnh gắn kết, bảo đảm sự tương thích đồng bộ giữa cải thiện tiến bộ xã hội với các thành quả của phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - thành viên nhóm chuyên đề 5 báo cáo tại cuộc họp.

Về thực trạng phát triển xã hội bền vững; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội bền vững trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nhấn mạnh, thời gian qua, phát triển xã hội bền vững được thể hiện rõ qua thể chế hoá, cụ thể hoá quan điểm của Đảng ta về phát triển xã hội bền vững trên các nội dung: Ưu đãi người công với cách mạng; Việc làm, thu nhập; Giảm nghèo; Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; Trợ giúp xã hội; Giáo dục tối thiểu; Y tế tối thiểu; Nhà ở tối thiểu; Nước sạch; Tiếp cận thông tin; Thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Từ việc thể chế hóa, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển xã hội bền vững đã đạt được kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;  Bảo đảm an sinh xã hội (Chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo); Chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; Chính sách trợ giúp xã hội;  Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản (Giáo dục tối thiểu; Y tế tối thiểu;  Nhà ở tối thiểu; Bảo đảm nước sạch; Bảo đảm thông tin); Thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành tựu, nhiệm vụ phát triển xã hội bền vững còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế sau:  Chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền nhóm đối tượng còn lớn; Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương; Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế…

Các đại biểu dự cuộc họp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao Tổ biên soạn chuyên đề 5, trong thời gian ngắn, gấp, đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, cơ bản bảo đảm tiến độ, bám sát đề cương đã được duyệt. Báo cáo tổng hợp đã chắt lọc, nâng cấp từ tiếp thu các bài viết của chuyên gia và sự chủ động từ các cơ quan của Quốc hội.

GS.TS Đặng Nguyên Anh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, liên quan đến mô hình tổ chức phát triển xã hội, phần về thực trạng xã hội bền vững cần viết chọn lọc, mang tính khái quát hơn, chú ý hướng đến phục vụ mục tiêu Phát triển xã hội bền vững; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng nên đúc rút quan niệm về phát triển xã hội bền vững thì mục tiêu hướng tới là gì? GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng mục tiêu phát triển bền vững dựa trên quan điểm của Đảng và quan điểm của thế giới thì nên hướng đến 3 mục tiêu: sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc của con người. Phát triển xã hội phải bảo đảm công bằng, dân chủ và công lý. Phát triển xã hội bảo đảm giáo dục tốt, sức khỏe tốt, hàng hóa được cung cấp tốt. Đây là 3 quan điểm phát triển xã hội mà chúng ta nên hướng tới…

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn.

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Ban Chủ nhiệm chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó Trưởng nhóm 3 - Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm qua ở Việt Nam, Chủ nhiệm chuyên đề 5 trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ Thư ký Nhóm 3, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia góp ý, biên soạn chuyên đề 5, các thành viên chuyên đề đã dành thời gian biên soạn, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện Chuyên đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn. Theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu năm 2021-2022 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố tháng 9/2022 cho biết, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2021 là 0,703, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia trong năm 2021. HDI của Việt Nam năm 2021 xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á

Tuy nhiên, các kết quả về phát triển con người của Việt Nam hiện còn ở mức thấp hơn mức trung bình thế giới và của các nước Đông Nam Á và còn khoảng cách khá xa so với Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, thấp hơn Indonesia; đứng thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo xếp hạng của UNDP. Trong giai đoạn tới, cũng có nhiều thách thức mới xuất hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn.​

Về một số nội dung của chuyên đề 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần khẳng định và làm rõ: Các mục tiêu phát triển xã hội được xác định gắn với các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, chính sách xã hội là công cụ, phương tiện chính của Nhà nước để quản lý phát triển xã hội bền vững, thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng về các mục tiêu phát triển bền vững, đó là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng XHCN trong giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra từ thực tiễn trên cơ sở bảo đảm quyền con người, nâng cao hiệu quả phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hoà.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bộ phận tổng hợp nghiên cứu làm sâu sắc hơn kinh nghiệm quốc tế và khu vực về các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bộ phận tổng hợp nghiên cứu bổ sung thêm các bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ phụ lục để thể hiện sinh động hơn, khoa học hơn. Chú ý các nội dung liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), làm sâu sắc hơn kinh nghiệm quốc tế và khu vực…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần phát biểu mở đầu cuộc họp. 

Các đại biểu dự cuộc họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - thành viên nhóm chuyên đề 5 báo cáo một số nội dung chính trong chuyên đề.

GS.TS Đặng Nguyên Anh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, liên quan đến mô hình tổ chức phát triển xã hội, phần về thực trạng xã hội bền vững cần viết chọn lọc, mang tính khái quát hơn.

Các đại biểu đánh giá cao nội dung trong Chuyên đề 5: "Phát triển xã hội bền vững; mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế" 

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung cuộc họp.

Minh Hùng - Trọng Quỳnh