PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ NĂNG LƯỢNG VỚI BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

27/07/2023

Chiều 27/07, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà Nước tại doanh nghiệp.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ NĂNG LƯỢNG LÀM VIỆC VỚI BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh. Cùng tham dự có các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Kinh tế..., cùng các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lồng ghép đưa các nội dung xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì (Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn, Nghị định về ODA và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan).Các Luật và Nghị định này đã đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên sử dụng vốn ODA đối với việc phát triển năng lượng, góp phần tạo điều kiện để phát triển năng lượng đồng bộ, cân đối và bền vững; góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng; hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong quá trình tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành các văn bản thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có các nội dung liên quan đến phát triển năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến phát triển năng lượng bảo đảm các mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển, sử dụng, sản xuất năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chính sách thuế được quy định hợp lý hơn, đảm bảo an ninh năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng sạch; Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần hạn chế sử dụng các năng lượng không tái tạo, thúc đẩy tăng trường xanh, phát triển bền vững.  Các chính sách liên quan đến giá năng lượng (điện, xăng dầu, than) được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đề ra…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng 

Trình bày Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, qua rà soát, theo quy hoạch ngành than, dầu khí , Ngân hàng Nhà nước không được giao nhiệm vụ cụ thể. Dù vậy, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành năng lượng tiếp cận vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành năng lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, thực hiện các chính sách, chủ trương về định hướng phát triển các ngành thuộc lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo các Tập đoàn thuộc lĩnh vực năng lượng (PVN, EVN, TKV, Petrolimex) xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển tuân theo định hướng phát triển, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Ủy ban cũng tích cực tham gia góp ý, lấy ý kiến, phối hợp với các bộ ngành trong quá trình xây dựng quy hoạch, Chiến lược, Kế hoạch phát triển dài hạn về phát triển năng lượng của các Tập đoàn thuộc Ủy ban; hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan…

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các cơ chế, chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu 

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 4 cơ quan có vị trí quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, giúp tham mưu các chiến lược liên quan đến nguồn lực cho lĩnh vực năng lượng quốc gia. Các ý kiến cho rằng, về cơ bản các báo cáo đã được chuẩn bị với nội dung tài liệu đầy đặn, các báo cáo bổ sung cũng đáp ứng yêu cầu đề cương Đoàn giám sát đưa ra.

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, để hoàn thiện Báo cáo, các cơ quan cần quan tâm, tiếp tục bổ sung nội dung liên quan đến các tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các vấn đề. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục bổ sung, cụ thể các số liệu minh chứng khi đưa ra các nhận định và kiến nghị trong lĩnh vực này…

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý chung về giá và dự trữ quốc gia đối với lĩnh vực năng lượng (xăng dầu, khí đốt…); điều chỉnh quy hoạch; thuế, phí; nợ xấu,, rủi ro tín dụng, cân đối tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp đối với các dự án về năng lượng…

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã gửi đến Đoàn giám sát nhiều kiến nghị thiết thực, cung cấp thêm dữ liệu để Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị, các bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo, gửi đến Đoàn giám sát trước ngày 3/8 tới. Trong đó, lưu ý, bổ sung làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong phát triển năng lượng, nhất là để ra những tồn tại, yếu kém, trì tệ, thậm chí sai phạm; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; nêu kiến nghị cụ thể với Đoàn giám sát…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Trưởng Đoàn giám sát phát biểu

Nêu yêu cầu cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ việc để những bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra phát hiện; chậm khắc phục sự cố của một số nhà máy điện, không đạt kế hoạch tái cơ cấu ở một số doanh nghiệp…

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch gây khó khăn nhất định trong thực hiện dự án đầu tư; chậm xử lý chồng chéo giữa quy hoạch điện lực và kế hoạch sử dụng đất; chưa huy động vốn ngoài Nhà nước với các dự án đầu tư lưới điện; chú ý sử dụng vốn ODA trong điều kiện mới, phù hợp với các cam kết quốc tế, COP26…; Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát để báo cáo với cấp có thẩm quyền cân đối nguồn lực cho phát triển năng lượng; làm rõ bất cập, hạn chế trong cơ chế giá điện, chi phí sản xuất điện, những khó khăn và thách thức trong huy động ODA cho các dự án điện… Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong các cơ chế, chính sách về đầu tư công, tài sản công; đánh giá kỹ hơn nguồn huy động và khả năng huy động vốn cho thực hiện Quy hoạch điện 8. Ngân hàng Nhà nước báo cáo bổ sung các giải pháp tín dụng dài hạn, phù hợp cho phát triển năng lượng, các dự án kéo dài, thua lỗ, thực hiện chuyển dịch năng lượng…

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, về cơ bản các báo cáo đã được chuẩn bị với nội dung tài liệu đầy đặn, các báo cáo bổ sung cũng đáp ứng yêu cầu đề cương Đoàn giám sát đưa ra

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, để hoàn thiện Báo cáo, các cơ quan cần quan tâm, tiếp tục bổ sung nội dung liên quan đến các tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các vấn đề

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải  đề nghị, các bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, lưu ý, bổ sung làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong phát triển năng lượng, nhất là để ra những tồn tại, yếu kém, trì tệ, thậm chí sai phạm; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan...

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác