PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CÁC CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

15/03/2023

Thực hiện chương trình phiên họp thứ 21, chiều 15/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước.

 

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐÁNH GIÁ KỸ THỰC TRẠNG, HIỆU QUẢ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/3: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) VÀ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 02/2023

Kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bao quát các nội dung đề nghị sửa đổi các dự án luật. Tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt, bổ sung, thể chế hóa thêm Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập, hồ chứa nước đến năm 2020, tầm nhìn 2045 để chủ động tích nước, trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cấp, sinh hoạt và sản xuất. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, sử dụng khoa học, công nghệ trong quản trị và phát triển tài nguyên nước.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước đảm bảo có đầy đủ các quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước. Nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, cần bao quát cả 3 loại nước, đó là nước mặn, nước lợ và nước ngọt.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần rà soát các quy định về điều tra cơ bản chiến lược quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; xác định rõ hơn phạm vi điều tra cơ bản tài nguyên nước. Rà soát để quy hoạch tài nguyên nước đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước và đảm bảo các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, nhất là thứ bậc, mối quan hệ với các loại quy hoạch khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Thêm vào đó, cần hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, hành vi bị cấm, đảm bảo rõ ràng, khả thi, tránh dàn trải, trùng lắp, không mâu thuẫn với các luật khác, nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, các quy định liên quan đến phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra, vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước trái đất. Hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo tính khả thi và có đủ căn cứ thực hiện, lưu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để đảm bảo phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Quy định rõ thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước trong vấn đề ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nước.

Cùng với đó, cần hoàn thiện công cụ chính sách về nguồn lực cho tài nguyên nước, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc bảo vệ nguồn nước, khai thác, xử lý phục vụ nước cho sinh hoạt, cho công nghiệp và cho nước ngầm, các quy định liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, các ưu đãi hỗ trợ đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi và phù hợp với các luật khác. Lưu ý các quy định liên quan đến thu chi ngân sách, thuế, phí phải tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Luật Ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp

Một trong những việc quan trọng cần tiến hành là rà soát các quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước để đảm bảo minh bạch, công khai, khả thi, người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận thông tin, hoàn thiện các quy định về điều hòa, dự trữ, phân phối, khai thác, phục hồi, sử dụng tuần hoàn và bảo vệ tài nguyên nước, hợp tác quốc tế, thanh tra, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ từng điều khoản của luật đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi, áp dụng và đảm bảo tính thống nhất của các điều khoản trong luật. Rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kể cả các luật đang sửa đổi. Lưu ý các quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi. Rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp, thời điểm luật có hiệu lực thi hành, đảm bảo tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Hồ Hương

Các bài viết khác