PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: TIẾP THU TỐI ĐA CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀ CÓ SỰ GIẢI TRÌNH ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

21/02/2023

Tại Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều ngày 21/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các cơ quan cần tiếp tục lấy ý kiến, tiếp thu tối đa đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân và có sự giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ TỌA ĐÀM GÓP Ý VỀ CÁC QUY ĐỊNH CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) LIÊN QUAN ĐẾN TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI VÀ GIÁ ĐẤT


Toàn cảnh Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chiều ngày 21/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cùng các chuyên gia, nhà khoa học.  

Tập trung góp ý để làm sao đề các chính sách về đất đai được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và và thi hành Luật Đất đai.


 Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.

Hội nghị tập trung vào 12 nội dung gồm: Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chế độ sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; Chính sách đất đai đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Luật Đất đai là bộ luật về một vấn đề hết sức cơ bản, nền tảng cho sự phát triển, liên quan mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội. Đất đai được coi là đạo luật gốc trong quản lý Nhà nước về đất đai. Giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không những kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực đất đai mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân, là tiền đề phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Cho rằng quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hoá chủ trương của Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Quốc hội đã cho phép lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Luật này nên việc lấy ý kiến của các tổ chức, nhà khoa học cần đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà Nghị quyết Trung ương đã ban hành. Theo đó, các ý kiến cần tập trung góp ý để làm sao các chính sách đó được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian.

Cần có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác

Trong khuôn khổ Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung cho ý kiến vào các nội dung: bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất; quy hoạch sử dụng đất; đất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này có rất nhiều điểm mới, tiếp thu góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển và có nhiều nội dung mới, cụ thể như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; đưa ra cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất; Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; Quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất...

Ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm.

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất theo giá thị trường thì việc nhà nước hay doanh nghiệp thỏa thuận cũng phải sát giá trị của đất. Mặt khác chính sách, giải pháp đưa ra phải hướng tới nhu cầu thực về nhà ở, lành mạnh thị trường bất động sản, chống“ tháo túng“, “đầu cơ“ thì phải công khai, minh bạch cơ chế.

Tuy nhiên, cũng phải thấy được mặt ưu điểm của việc tự thỏa thuận đã thúc đẩy việc thực hiện nhanh các dự án vừa qua, bởi vậy trong giai đoạn này nên có một điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ-TW.

Liên quan đến tài chính và giá đất, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong dự thảo cần được bổ sung thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Cụ thể, giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất; quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác; doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án đã được duyệt.


Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý.

Đề cập về quy hoạch sử dụng đất, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, so với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định cụ thể và khoa học hơn. Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (điều 61) cơ bản giữ nguyên Luật 2013 (bổ sung quy hoạch cấp Tỉnh). Về nội dung quy hoạch sử dụng đất từng loại nhất là với cấp tỉnh, huyện cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh (điều 27 Luật Quy hoạch).

Trong dự thảo Luật (điều 60) đề cập đến mối quan hệ với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ cần thực hiện song hành theo nguyên tắc trên xuống, dưới lên, sang ngang như Nghị quyết 61/2022/QH15 về tháo gỡ khó khăn... và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch năm 2017. Lấy ý kiến về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.


TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đóng góp ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các tổ chức, nhà khoa học đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mỗi ý kiến đóng góp của các tổ chức, nhà khoa học cố gắng đều được tiếp thu và giải trình một cách khoa học để tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức và mọi mặt chính trị, kinh tế-xã hội...

Luật Đất đai năm 2013 đã có những mặt tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng việc sửa đổi Luật lần này cũng là nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật sau 10 năm thực hiện để bám sát với thực tiễn hơn nữa; đồng thời chống được những tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để huy động các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để việc sửa đổi Luật Đất đai thực sự đóng góp vào sự phát triển của đất nước và khắc phục những bất cập, tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở nhiều chiều tại các vùng, miền đối với các vấn đề về đất đai qua nhiều kênh thông tin.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa và có sự giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới./.

** Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Toàn cảnh Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


Các đại biểu tham dự Hội nghị.


 Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc sửa  đổi Luật Đất đai cần tập trung góp ý để làm sao đề các chính sách về đất đai được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương nêu ý kiến về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản, Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội góp ý nội dung cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.

 GS.TS Lê Hồng Hạnh, Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương góp ý nội dung Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.


 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các cơ quan cần tiếp tục lấy ý kiến, tiếp thu tối đa đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân và có sự giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...


 


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao đổi với các nhà khoa học xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai. 

Bích Lan - Phạm Thắng

Các bài viết khác