
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo việc kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, sự phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân thành phố theo Quy chế số 01/QCPH-BCSĐ trong công tác giải quyết các vụ án hành chính đạt được hiệu quả cao, góp phần hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị Toà án cấp trên sửa, huỷ có lỗi của Kiểm sát viên và Thẩm phán.
Viện Kiểm sát hai cấp thuộc thành phố Hà Nội đã tăng cường sự phối hợp, trao đổi nghiệp vụ với Vụ 10 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều đương sự tham gia, nhiều quan điểm khác nhau hoặc pháp luật quy định, điều chỉnh chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể...các Viện Kiểm sát hai cấp thuộc thành phố Hà Nội đã chủ động trong việc báo cáo thỉnh thị nhằm hạn chế việc giải quyết vụ án theo cảm tính, nhận định chủ quan của Kiểm sát viên, Thẩm phán dẫn đến bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại.
Bên cạnh đó, Kiểm sát viên thực hiện việc kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ án hành chính có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, báo cáo kịp thời với lãnh đạo Viện những khó khăn, vướng mắc trong công tác và những sơ hở, thiếu sót, vi phạm pháp luật của các đương sự, Tòa án để kiến nghị, kháng kháng nghị theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được, trong công tác kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Cụ thể, việc kiểm tra đôn đốc của Thủ trưởng một số đơn vị cấp huyện chưa thường xuyên; tinh thần trách nhiệm của một số Kiểm sát viên chưa cao, chưa kiên quyết thực hiện quyền yêu cầu đối với Thẩm phán, đối với đương sự là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Mặc dù tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận vượt chỉ tiêu ngành đề ra, nhưng vẫn còn một số vụ án bị cấp phúc thẩm tuyên sửa, hủy mà Kiểm sát viên không phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị; một số đơn vị cấp huyện chưa phát hiện được vi phạm của Tòa án để ban hành kháng nghị phúc thẩm;…
.jpg)
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng với đó, công tác kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật. Theo đó, thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính tại Tòa án hai cấp cho thấy, án hành chính là lĩnh vực giải quyết tranh chấp rất phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp về đất đai. Đối tượng khởi kiện chủ yếu là các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, lĩnh vực xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính, quản lý thuế, lâm nghiệp, thị trường, giao thông... Vì vậy, án hành chính thường liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Trong khi đó, hệ thống luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến đất đai qua các thời kỳ và có nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung; ở từng lĩnh vực hành chính việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại các cơ quan hành chính chưa được triệt để, còn kéo dài, dẫn đến khiếu kiện nhiều.
Ngoài ra, quá trình giải quyết án hành chính, kiểm sát việc giải quyết án hành chính cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Cụ thể, Điều 123 Luật tố tụng hành chính quy định “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện; văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”, tuy nhiên không quy định việc sao gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo nên Viện kiểm sát còn gặp khó khăn trong kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án đúng hay sai, dẫn đến hạn chế về thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát.
Bên cạnh đó, thời hạn xét xử được quy định rõ tại Điều 130 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tuy nhiên, trong thực tiễn, Tòa án thường vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử. Những vụ án có tính chất phức tạp cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử 01 lần, nhưng khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán vẫn chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp này luật không quy định được gia hạn thời hạn xét xử lần 02 dẫn đến vụ án quá hạn thời hạn giải quyết.
Dẫn chứng về thẩm quyền ban hành kháng nghị được quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chỉ ra rằng, quy định trên chỉ quy định Viện trưởng được quyền ký ban hành kháng nghị. Tuy nhiên, Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định Phó Viện trưởng được quyền ký quyết định kháng nghị. Có thể thấy, hai quy định trên mâu thuẫn với nhau, Thông tư quy định trái với Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho rằng, quy định tại khoản 3, 4 Điều 93 Luật Tố Tụng hành chính năm 2015 về việc cung cấp chứng cứ chưa mang tính khả thi bởi chưa có văn bản quy định các chế tài xử lý. Một số cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện yêu cầu của Toà án, Viện Kiểm sát còn chậm, dẫn đến thời gian giải quyết các vụ án bị kéo dài.
Ngoài ra, đối với việc uỷ quyền tham gia tố tụng, người bị kiện trong các vụ án hành chính là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền chỉ được uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, cấp phó không được uỷ quyền cho người thứ ba. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trên thực tế, người đại diện theo pháp luật đều có văn bản uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, nhưng cấp phó lại có văn bản xin được xét xử vắng mặt. Do đó gây khó khăn trong việc đối thoại và vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết./.