ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH LÀM VIỆC VỚI 6 ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH PHÍA BẮC VÀ MIỀN TRUNG

21/03/2022

Chiều 21/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung gồm: Tp.Hải Phòng, Tp.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình.


Tham dự cuộc làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và một số chuyên gia. Về phía cơ quan báo cáo tham dự từ các điểm cầu có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân, Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH của 6 địa phương ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.


Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cuộc giám sát này ngoài báo cáo của UBND còn có báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đoàn giám sát đánh giá cao các cơ quan đã gửi báo cáo đầy đủ, đúng hạn. Theo các báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù tiến độ lập các quy hoạch chậm nhưng đến nay nhiều địa phương đã đến bước báo cáo hoặc chuẩn bị báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng Bắc Giang và Hà Tĩnh đã trình Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cũng đang lập hoặc đã phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn… Các địa phương cũng đang thực hiện rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đô thị, phân khu đô thị, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Tích cực triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025; rà soát bãi bỏ các quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Để đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu, các địa phương, đoàn giám sát tập trung thảo luận một số vấn đề như: chất lượng quy hoạch; việc tích hợp để lập quy hoạch Thành phố (tỉnh), quy hoạch vùng; quản lý khi lập quy hoạch; tiến độ quy hoạch; lựa chọn tư vấn quy hoạch; các địa phương báo cáo rõ căn cứ để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tính khả thi, hiệu quả của các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện khi được phê duyệt..

Tại cuộc làm việc, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã có những câu hỏi với các địa phương về tiến độ quy hoạch, chất lượng quy hoạch. Các đại phương chia sẻ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo hệ thống quy hoạch; sự lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn trong điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ đã có sự phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thì việc triển khai quy hoạch ở các địa phương có vướng mắc và đề xuất giải quyết như thế nào? Cách thức xử lý của các địa phương nếu quy hoạch sản phẩm, chuyên ngành có sự chồng chéo...

Đề cập Các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng theo quy định của Luật Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, triển khai Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức họp và ban hành Thông báo số 202-TB/TU ngày 14/10/2021 kết luận tại cuộc họp ngày 08/10/2021 để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 7130/UBND-SKHĐT ngày 21/10/2021 về việc điều chỉnh tiến độ lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy định rõ tiến độ và phân công thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan trong thời gian đến để đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch.

Thành phố đã tổ chức các buổi làm việc giữa Tư vấn tổng với các Sở, ban, ngành và UBND các quận huyện thuộc thành phố; đã tổ chức 02 Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận vào cuối tháng 12/2022. Đồng thời, lãnh đạo UBND thành phố làm việc với từng Sở, ngành và UBND các quận huyện để nghe các báo cáo về các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, nội dung quy hoạch đã hoàn thành dự thảo lần 6 và đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành lần thứ 2. Lãnh đạo UBND thành phố đang giao cho các Phó Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm rà soát lại các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch; chuẩn bị báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Hội nghị Thành ủy vào đầu tháng 4/2022 trước khi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định (dự kiến trong tháng 4/2022). Tiếp thu các ý kiến thẩm định hoàn chỉnh trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua vào kỳ họp giữa năm 2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đánh giá hiệu quả của việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và vai trò phản biện đối với nội dung của Quy hoạch được xin ý kiến, theo Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định rõ về quy trình lấy ý kiến cộng đồng cho từng loại quy hoạch, thẩm quyền của các cơ quan quản lý. Việc lấy ý kiến cộng đồng có ưu điểm phát huy được tính phản biện, vai trò và sự tham gia của cộng đồng được nâng cao, cộng đồng thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện và quản lý Quy hoạch đô thị cùng với chính quyền. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật, các cụm từ “cá nhân có liên quan”, “đại diện cộng đồng dân cư” và “cộng đồng dân cư” cần phải xác định rõ, có khảo sát để xác định phạm vi cần lấy ý kiến cộng đồng phù hợp với tính chất từng đồ án quy hoạch, xác định chính xác đối tượng cần lấy ý kiến, bảo đảm công khai, minh bạch, lợi ích hài hòa giữa quy hoạch và cộng đồng.

Về vai trò phản biện đối với nội dung của Quy hoạch được xin ý kiến, hiện nay, tuy kiến thức về quy hoạch đô thị của các tầng lớp nhân dân chưa hoàn toàn đầy đủ nhưng về nhận thức tầm quan trọng của quy hoạch đô thị đã được thể hiện rõ trong các buổi lấy ý kiến cộng đồng, các buổi lấy ý kiến phản biện của các tổ chức cá nhân. Đa số các buổi lấy ý kiến đều nhận được sự quan tâm lớn của người dân vì việc ảnh hưởng để lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như việc phát triển đô thị tại khu vực, là cơ sở để phát triển kinh tế, xây dựng tại địa phương.


Tỉnh Hà Tĩnh tham dự cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến.

Đánh giá, làm rõ những kết quả làm được, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, Hà Tĩnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ đầu năm 2018, khi Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua, chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Để lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch làm phó ban và các thành viên là Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thành lập Ban Quản lý dự án, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định.    

Quá trình triển khai lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu cơ quan lập quy hoạch báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng để nắm bắt chỉ đạo kịp thời; đồng thời giao các sở, ban, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn, cung cấp đầy đủ các tài liệu, tham gia góp ý kiến kịp thời chất lượng và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với ngành, lĩnh vực được giao. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là không khoán trắng cho đơn vị tư vấn mà phải tham gia cùng tư vấn; ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn; cái cần ở tư vấn là công cụ phân tích mô hình, dữ liệu, đề xuất ý tưởng (nhưng ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn), phương pháp xây dựng quy hoạch… còn lại phải là nhiệm vụ của các ngành, cơ quan chuyên môn, tranh thủ được càng nhiều ý kiến càng tốt; nếu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham gia cùng thì một mình đơn vị tư vấn rất khó làm nổi và chất lượng của quy hoạch sẽ không cao.

Thông tin thêm về quá trình chọn tư vấn quy hoạch, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp làm việc với đơn vị tư vấn, các Sở ban ngành để nghe báo cáo kết quả nghiên cứu từng giai đoạn lập quy hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, tham vấn ý kiến Ngân hàng thế giới; lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ; đăng tải trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định và được Hội đồng thẩm định trung ương tổ chức thẩm định theo từng bước chặt chẽ. Tất cả các ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương trong vùng và các tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch đã được nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ.   

Mặc dù quá trình lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn do nội dung, phương pháp lập quy hoạch tỉnh khác nhiều so với quy hoạch tổng thể trước đây, đồng thời là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nên chưa có địa phương nào đi trước để học hỏi, tham khảo. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng nhân dân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự tập trung cao của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn nên đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đề cập về sự chồng chéo giữa quy hoạch với quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, Thời gian qua, tại Hà Tĩnh còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. Nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất chỉ khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng, chưa nghiên cứu chi tiết đến địa hình, địa vật, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu quy hoạch như trong các đồ án quy hoạch xây dựng; ngoài ra trong quá trình lập quy hoạch giữa cơ quan được giao lập quy hoạch và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ; công tác lấy ý kiến góp ý, tổ chức thẩm định quy hoạch chưa tốt; năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Việc này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang từng bước khắc phục, chấn chỉnh; theo đó, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch xây dựng; lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, trong quá trình lập, thẩm định phải tổ chức lấy ý kiến đầy đủ các cơ quan tổ chức có liên quan; công tác thẩm định phải chặt chẽ, chất lượng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.  

Để góp phần khắc phục chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch xây dựng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng để tham mưu, điều chỉnh thống nhất tên gọi và quy cách thể hiện các loại đất và thời kỳ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch (hiện nay thời kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm trong khi đó thời kỳ lập quy hoạch xây dựng 20-25 năm).

Cũng tại cuộc làm việc, Tp.Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Bình cũng đã có trả lời các đại biểu Quốc hội, đoàn giám sát xung quanh mối liên hệ, phối hợp giữa quy hoạch tỉnh, vùng và quy hoạch quốc gia; những vướng mắc trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh...


 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc tích cực đã có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận. Đoàn giám sát đã nghe báo cáo tóm tắt và lãnh đạo 06 địa phương cũng đã có ý kiến phát biểu.

Thứ nhất: Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch; khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục kéo dài, nhiều hoạt động bị đình trệ; phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới, chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định… Nhưng các địa phương đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai: Qua làm việc với các địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực thi chính sách cho thấy thêm những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch như một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; các văn bản hướng dẫn luật hoặc chậm ban hành hoặc thiếu; nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ ba: Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiên cứu các kiến nghị của các địa phương, trong đó kiến nghị chung là đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tránh tình trạng mâu thuẫn, không phù hợp giữa các quy hoạch dẫn đến việc quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh sau khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt.

Đoàn ghi nhận các kiến nghị đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của pháp luật về Quy hoạch; các quy định còn chưa thống nhất, đầy đủ giữa pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, nội dung này, Thành Phố Hải Phòng nêu khá kỹ; rà soát khoản 5 Điều 40 Luật Đất đai năm 2013 vì chưa quy định cụ thể loại quy hoạch đô thị; quy trình và nguồn vốn bố trí cho công tác quy hoạch nhất là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh chưa rõ; cơ sở dữ liệu thông tin chưa hoàn thiện; quy hoạch phân khu, điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trong quy hoạch nông thôn còn bất cập; nhiều nội dung quy hoạch ngành còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng nhất là quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên; chưa có quy hoạch dự án nông nghiệp, một số dự án khác ngoài đô thị; thời kỳ, tầm nhìn giữa các quy hoạch chưa thống nhất.

Đoàn ghi nhận các kiến nghị về các nội dung của Luật Quy hoạch như phương pháp tích hợp, mức độ tích hợp của quy hoạch tỉnh; vấn đề bảo đảm bí mật khi xác định khu quân sự, khu vực an ninh trong quy hoạch tỉnh; tính hợp lý của việc bãi bỏ quy hoạch sản phẩm;  cách lập “quy hoạch đúng dần”; cách thức phối hợp trong việc lập các quy hoạch; cách điều chỉnh giữa các quy hoạch cũng cấp; việc phân cấp, phân quyền và thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch. Các nội dung trên Đoàn sẽ tổng hợp, làm việc trao đổi cụ thể với lãnh đạo Chính phủ trong cuộc họp dự kiến vào 30/3/2022.

Thứ tư: Đề nghị các địa phương bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo theo ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đã nêu, nhất là khẳng định tiến độ hoàn thành các quy hoạch, làm rõ trách nhiệm dẫn đến các bất cập, hạn chế và việc chậm tiến độ các quy hoạch.

Thứ năm: Đề nghị các địa phương tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để hoàn thành quy hoạch Thành phố (tỉnh) thời kỳ 2021-2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định; khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước nhưng cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển. Lập các quy hoạch cần bảo đảm tính kế thừa, tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng như sân bay, cảng biển, các tuyến cao tốc kết nối, các tuyến quốc lộ, liên vận quốc tế, các tuyến vành đai của đô thị lớn; Quy hoạch phải phát huy được tiền năng, lợi thế của từng địa phương trong mối liên kết vùng và phát triển các hành lang kinh tế như hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội - Hải phòng, Hành lang kinh tế Đông Tây (Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng), hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng; Quy hoạch của Hải phòng, Quảng Ninh cũng phải lưu ý phát triển tam giác Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh thành vùng động lực chính cho khu vực phía Bắc. Đối với Đà Nẵng lưu ý phát triển Khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi trở thành vùng động lực Miền Trung.

Thứ sáu: Quá trình lập quy hoạch cần ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của chính Thành phố, tỉnh.

Thứ bảy: Đề nghị các địa phương tập hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để tháo gỡ; lưu ý các kiến nghị để hoàn thiện các Luật, các văn bản hướng dẫn; các kiến nghị để thực hiện được việc tích hợp quy hoạch; các quy định liên quan đến lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; các quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch; ban hành chính sách thay thế quy hoạch hết hiệu lực theo quy định Luật Quy hoạch, bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước khi bỏ các quy hoạch sản phẩm. Đồng thời báo cáo cụ thể các nội dung còn thiếu văn bản hướng dẫn, cần bổ sung.

Thứ tám: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các báo cáo của địa phương, các ý kiến tham gia hôm nay để trao đổi làm việc cụ thể với các địa phương và các bộ, ngành liên quan, xem xét các vướng mắc của các địa phương; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền.

Thứ chín: Đề nghị các địa phương tổng hợp ý kiến Đoàn giám sát, ý kiến các đại biểu phát biểu hôm nay để hoàn chỉnh báo cáo gửi lại Đoàn giám sát.

Thứ mười: Đề nghị bộ phận giúp việc của Đoàn giám sát tổng hợp ý kiến để đưa những vấn đề nổi bật vào báo cáo chung./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:


Toàn cảnh cuộc làm việc.


Tỉnh Bắc Giang tham dự cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu tại cuộc làm việc.


Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn đặt câu hỏi tại cuộc làm việc.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc họp.

Bích Lan - Bùi Hùng

Các bài viết khác