CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 15, HĐND TỈNH BÌNH PHƯỚC KHÓA X
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu.
Về phía tỉnh Bình Phước có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
Chuyển từ "dự trữ phát triển" thành một động lực phát triển thực sự trong vùng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 1 năm rưỡi nữa sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2030. Thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI không còn nhiều. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các thành viên Đoàn công tác tập trung đánh giá kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được thời gian qua; những cách làm, kinh nghiệm hay mà tỉnh đã thực hiện để đạt được những kết quả tích cực; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và những đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, sau 27 năm từ ngày tái lập tỉnh, Bình Phước đã nỗ lực, vượt lên khó khăn, dần trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30.9.2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Bình Phước chuyển từ vị trí "dự trữ phát triển" thành một động lực phát triển thực sự trong vùng Đông Nam bộ.
Trong đó, xác định 6 nhóm giải pháp lớn gồm: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp, tác động tích cực vào phát triển; Phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế; xây dựng quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã xây dựng và ban hành hệ thống chính sách một cách toàn diện, đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm 58 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm như: phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp; thương mại, dịch vụ; nông nghiệp; khoa học, công nghệ; đô thị; chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; huy động nguồn lực đầu tư; phát triển văn hóa, xã hội, du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy vào thực tiễn và đã có những kết quả nhất định.
Về thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Quyết định số 216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã nghiên cứu, cho chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước, có chiều dài khoảng 6,6km vào dự án nhóm B; tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng, dự kiến ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 474 tỷ đồng; thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2026; ngày 15.5.2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Trần Tuệ Hiền phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, ngày 28/6/2024 là ngày rất vui với Nhân dân hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước bởi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Gia nghĩa - Chơn Thành là con đường thoát nghèo cho Đắk Nông, con đường làm giàu cho Bình Phước. Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ chủ động, tích cực phối hợp với bộ, ngành địa phương hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về việc triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 tháng đầu năm nay, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát thường xuyên việc thực hiện chính sách pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.
Kết thúc các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 4 báo cáo kết quả giám sát chuyên đề gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đề xuất 62 kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; 33 kiến nghị gửi đến UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan đề nghị thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Bên cạnh việc tổ chức các đợt giám sát theo kế hoạch đề ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn tham gia các Đoàn khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội tổ chức khảo sát tại tỉnh Bình Phước. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác tổ chức tiếp xúc cử tri cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện tốt, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. Trong 6 tháng đầu năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giải quyết được 26 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và đã có văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.
Công tác kiểm tra, giám sát được chỉ đạo thực hiện thường xuyên trong toàn Đảng bộ, tập trung vào những lĩnh vực đất đai, đầu tư công, sử dụng ngân sách, thực hiện quy chế, kiểm soát quyền lực. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác tuyên truyền, vận động; có nhiều chương trình, phong trào thiết thực, sát cơ sở góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy, trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Phước đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm gồm:
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tập trung nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động số 17-CTr/TU; Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2024.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời và chống thất thu thuế; tổ chức điều hành chi ngân sách năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng 2 dự án, công trình trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương có liên quan phối hợp cùng với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Công ty Điện lực Bình Phước tháo gỡ các khó khăn, sớm hoàn thành đưa vào vận hành các dự án lưới điện 110kV và trung hạ thế nhằm bảo đảm an ninh năng lượng để thực hiện thành công các chủ trương, định hướng và các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tới.
Tiếp tục rà soát, chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu những tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về mặt an ninh, trật tự đối với các hoạt động liên quan nhà đầu tư nước ngoài, lao động người nước ngoài trong khu vực dự án, khu vực lân cận liên quan đến hoạt động của dự án.
Trưởng Ban Công tác đại biểu - Nguyễn Thanh Hải phát biểu.
Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong tháng 9/2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan, đơn vị, địa phương ở các huyện, xã thực hiện sắp xếp địa giới hành chính.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc sắp xếp, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ; hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Chỉ đạo thành lập các tiểu ban đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Tiếp tục tăng cường thực hiện tốt công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; theo dõi, nắm sát, nắm chắc tình hình từ cơ sở, không để hình thành "điểm nóng"; hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm; kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Các đại biểu dự cuộc làm việc.
Về đề xuất với Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, hiện tỉnh đã hoàn chỉnh đề án phân loại đô thị nhưng chưa hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với phạm vi phương án sắp xếp đơn vị hành chính đô thị theo lộ trình đã đề ra. Để đảm bảo tiến độ theo quy định, Bình Phước đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải thích và làm rõ thêm về quy hoạch đô thị mở rộng và quy hoạch mới; cho phép làm đồng thời quy hoạch, phân loại quy hoạch đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính; cân nhắc có giai đoạn chuyển tiếp đối với một số tiêu chí phân loại đô thị chưa bảo đảm sau sắp xếp.
Hiện nay tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các điều kiện về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, giáo dục đào tạo và các điều kiện khác đang từng bước được hoàn thiện, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư vào tỉnh cũng như đầu tư phát triển các khu công nghiệp mới. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do chỉ tiêu đất công nghiệp được phân bổ cho tỉnh rất hạn chế vì vậy không đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và thời gian sắp tới. Bình Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm, xem xét tháo gỡ vấn đề này.