PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TỐT, CÁCH LÀM HAY TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

24/04/2023

Ngày 24/4, phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; đồng thời nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH NÊU 9 VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14 LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Thực hiện Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đối với nội dung chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, ngày 24/4, Đoàn Giám sát đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực, với tinh thần trao đổi hết sức thẳng thắn, cởi mở, có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận, trao đổi xung quanh 9 nhóm vấn đề Đoàn giám sát đặt ra.

Toàn cảnh Đoàn giám sát làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, các ý kiến phát biểu, trao đổi tại buổi làm việc rất thẳng thắn, sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm trên tinh thần thiện chí, cầu thị, xây dựng. Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ và sẽ nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, thể hiện trong Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung báo cáo, giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều số liệu, nhận định, đánh giá cụ thể, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về các nội dung, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; từ việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và phát hành sách giáo khoa cho tới việc chuẩn bị các điều kiện triển khai về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng theo yêu cầu đổi mới. Nội dung báo cáo, giải trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua nghiên cứu và nghe báo cáo, Đoàn giám sát nhận thấy, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là nhiệm vụ lớn có tính chất quan trọng nhưng được bắt đầu triển khai trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ trung ương tới địa phương và cơ sở giáo dục, việc thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những kết quả bước đầu.

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có những cách làm hay, phát huy được tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cơ sở và của giáo viên trong thực hiện đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài giảng, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời; Một số văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong triển khai thực hiện; Việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện còn chậm trễ, chưa bảo đảm theo lộ trình.

Công tác tuyên truyền, quán triệt về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong một số thời điểm còn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Việc tổ chức xây dựng, biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình; yêu cầu về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ở một số môn học, hoạt động giáo dục chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và năng lực của đội ngũ giáo viên hiện có.

Việc tổng hợp, đánh giá hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động từ xã hội phục vụ chi cho nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn; chưa rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện các nguồn lực hiện có.

Đoàn giám sát cơ bản tán thành với những giải pháp và kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới. Các kiến nghị của Bộ sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Đối với các ý kiến trao đổi tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các cơ quan, bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, giải trình bổ sung gửi đến Đoàn giám sát trước khi Đoàn làm việc với Chính phủ.

Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự buổi làm việc.

Để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ của hệ thống chính trị; rà soát các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và cả xã hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Rà soát, đánh giá kỹ hơn về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong thời gian tới, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở các khối lớp còn lại; đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các công trình phụ trợ phục vụ cho dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đổi mới đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực và bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp, các môn học mới phù hợp với thực tiễn.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà giáo trong xây dựng kế hoạch giáo dục và đổi mới quản trị, quản lý nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách về tài chính bảo đảm đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện tốt chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập…; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát huy vai trò giám sát phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện, kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các cơ quan Bộ, ngành, tỉnh, thành phố tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác