ĐBQH TRẦN THANH MẪN: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 8 LUẬT TRÊN TINH THẦN PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN GẮN LIỀN VỚI TRÁCH NHIỆM

06/01/2022

Phát biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đề nghị việc sửa Luật cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm người đứng đầu.

 

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp Tổ

Phát biểu tại phiên họp Tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến rất trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đây là lần đầu tiên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một dự án luật rất đặc biệt, khó, chưa từng có tiền lệ, hàm chứa các chính sách có tác động, ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội trong thời gian tới với phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu sự tác động khác nhau.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nêu rõ, từ nay tới trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết dự án Luật này, đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát tổng thể, chi tiết các nội dung dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định được sửa đổi, bổ sung lần này, trong đó, cần lưu ý nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương gắn liền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, nhất là cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu tại các bộ, ngành, địa phương.

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung 8 luật này đều liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần đặc biệt lưu ý mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi liền với cơ chế chịu trách nhiệm. Bởi thực tế thời gian qua, mặc dù Bộ nào cũng nói đã phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng địa phương muốn làm được thì phải xin ý kiến của bộ chuyên ngành rồi mới làm.

Thứ hai, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự minh bạch, thông thoáng về trình tự, thủ tục, cải cách hành chính, tránh cơ chế xin – cho. Muốn tránh được cơ chế xin – cho thì các quy định trong dự thảo Luật phải hạn chế làm phát sinh thủ tục hành chính. Mặt khác, phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có thể phát sinh từ dự án Luật

Thứ ba, đây là dự án Luật khó, chưa từng có tiền lệ, do đó, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn việc ban hành một luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số nội dung trong nhiều luật. Công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật là rất quan trọng trong thời gian tới. Tiếp tục bổ sung thuyết minh về tác dụng của việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể là gì, khi nào; thuận lợi, khó khăn, tính khả thi… Những vấn đề này cần được giải thích nhiều đến người dân, doanh nghiệp chịu sự tác động của dự án luật trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là kinh nghiệm thực tiễn, những vướng mắc trong thực thi những nội dung được sửa đổi. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng của những nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Điều 1 dự thảo Luật); phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật); thông tin cụ thể về số lượng, quy mô các gói thầu sẽ được hưởng tác động tích cực từ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật với phương án sửa đổi bổ sung cùng lúc với Luật Đấu thầu (khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật); làm sao để Luật Đấu thầu khi đi vào tổ chức thực hiện không còn vướng mắc ở các ngành, địa phương để khi giải ngân vốn đầu tư công thì tiêu được tiền từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nhất là vốn ODA.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 7 dự thảo Luật), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn đối với xe ô tô điện chạy pin tới ngân sách nhà nước; đồng thời, cần đánh giá tác động đến môi trường đối với số pin hết hạn sử dụng, không thể tái chế của ô tô điện.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần quan tâm đánh giá tác động của việc sửa đổi chính sách tới giá điện và các loại phí liên quan đến truyền tải điện; bảo đảm sự phù hợp của quy định về doanh nghiệp quốc phòng, an ninh với tính chất quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm của quốc phòng - an ninh trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (Điều 6 dự thảo Luật).

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương bổ sung tổng kết đầy đủ, khách quan đối với thực trạng triển khai các quy định, chính sách hiện hành về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại; tổng kết thi hành Luật Điện lực để nghiên cứu toàn diện Luật Điện lực trong thời gian tới.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác