Cùng dự Đoàn công tác có ông Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, báo cáo tình hình KT-XH, công tác phòng, chống dịch bệnh của Tỉnh
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết thời gian qua thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” , tỉnh Sóc Trăng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,03%/năm; có 16/23 chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện đạt và vượt, 7/23 chỉ tiêu đạt thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5% so cùng kỳ, tuy nhiên, kể từ quý III sản xuất công nghiệp chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, tính chung chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 12%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 27.500 tỷ đồng.
Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, đề xuất một số kiến nghị liên quan đến công tác phòng chống dịch. Theo đó, tỉnh kiến nghị sửa quy định thời gian chuyển cấp độ dịch từ mức thấp sang mức cao là 48 giờ theo hương rút ngắn để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời xem xét lại tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khi tính trung bình 2 tuần vì điều này không phù hợp. Tỉnh cũng đề xuất được thiết lập các chốt kiểm soát dịch ở vùng cam và được trung ương hỗ trợ kinh phí cùng trang thiết bị y tế phục vụ công tác xét nghiệm, phòng chống dịch
Về các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Quốc hội có có ý kiến đến Chính phủ thực hiện cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, thông qua chủ trương xây dựng cảng Trần Đề và cầu Đại Ngãi, quốc lộ Nam sông Hậu; Triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm điện lực Long Phú, cho phép Nhiệt điện Long Phú 2 và 3 thành nhiệt điện khí hóa lỏng, đây là những dự án sẽ góp phần trong thực hiện “mục tiêu kép” không chỉ riêng Sóc Trăng mà của cả các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực lãnh đạo và người dân địa phương trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của tỉnh Sóc Trăng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trên cơ sở kết quả cuộc làm việc ngày hôm nay, Đoàn công tác sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí liên quan phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp, bảo đảm quy định; Chỉ đạo Bộ Y tế cân đối, phân bổ vắc xin đảm bảo tiêm đầy đủ cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đối tượng tiêm là trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Quan tâm hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho y tế tỉnh trong công tác cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, dành tối thiếu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội; Cắt giảm chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phải phù hợp với địa bàn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; đặc biệt quan tâm sâu sát tới đối tượng là trẻ em, người già, các đối tượng yếu thế trong xã hội, tránh xảy ra những sai sót không đáng có. Sóc Trăng cũng cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với “Chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả”, đặt nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, sớm đưa tỉnh Sóc Trăng về trạng thái bình thường mới. Đặc biệt phải lưu ý đến hơn 46.000 người dân di cư từ các địa phương khác về quê, chăm sóc giải quyết triệt để vấn đề an cư lạc nghiệp cho các đối tượng này.
Đồng tình với những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án nhà máy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đây là những đề xuất thiết thực, không chỉ giúp tỉnh Sóc Trăng phát triển mà còn có tác động tích cực đến các địa phương khác trong khu vực. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, kế hoạch, có tờ trình và đăng ký làm việc với Thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan để thực hiện những dự án lớn.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác trao tặng tỉnh Sóc Trăng 1 tỷ đồng cùng 10 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 500 triệu đồng để hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch./.