CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC
Đồng chủ trì hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.
Toàn cảnh hội thảo
Đánh giá cao việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tài nguyên nước, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, bảo đảm các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Từ thực tiễn thi hành Luật tại Đà Nẵng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng kiến nghị, để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần quy định việc cộng đồng dân cư có quyền thành lập các hội, nhóm, tổ cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước, làm cơ sở và tạo điều kiện pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các “tổ chức cộng đồng dân cư” ở cấp độ địa phương.
Dự thảo Luật cũng cần quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên nước, xây dựng và duy trì các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước. Quy định về nguồn tài chính từ Ngân sách và đóng góp của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân liên quan để thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ các nguồn nước có chức năng quan trọng như cấp nước sinh hoạt, bảo tồn. Quy định về việc cộng đồng dân cư có vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai liên quan đến nước như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, lũ lụt.
Cùng với đó, cần bổ sung các thông tin phải công khai liên quan đến chất lượng môi trường nước. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của cơ quan nhà nước các cấp trong việc công khai thông tin môi trường nước, bảo vệ tài nguyên nước theo thẩm quyền.
Về tổ chức lưu vực sông, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông; trách nhiệm của tổ chức lưu vực sông để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả phối hợp giải quyết những vấn đề chung, có tính chất liên ngành, liên vùng, liên địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông, nghĩa vụ đóng góp tài chính để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức lưu vực sông (ngân sách của các địa phương nằm trên lưu vực; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phí xả nước thải vào nguồn nước, kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực.
Về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, các ý kiến đề nghị sớm ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể việc triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên thực địa (số lượng mốc, cách xác định các vị trí cắm mốc đối với sông, suối) để các địa phương có cơ sở thực hiện theo quy định tại Luật tài nguyên nước và Nghị định số 43/2016/NĐ-CP ngày 6.5.2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề nghị có cơ chế tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển thủy lợi, nước sạch nông thôn; cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư xây dựng cũng như quản lý, khai thác có hiệu quả công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn, đồng thời quản lý có hiệu quả tài nguyên nước trên lưu vực. Đối với công trình thủy lợi lớn mang tính trọng điểm, công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những công trình ở những khu vực khan hiếm về nguồn nước cần được ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa. Cần bảo vệ tốt diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn.
Góp ý quy định về khai thác, sử dụng nước đối với các công trình thủy lợi trong dự thảo Luật Tài nguyên nước, đại diện một số doanh nghiệp đề nghị quy định rõ, cụ thể chức năng quản lý nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng nước mặt (hồ, đập, sông, suối…) và nước ngầm để tránh chồng chéo, rõ trách nhiệm.
Bế mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến góp ý từ thực tiễn hoạt động của các sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp, nêu rõ Ủy ban sẽ tổng hợp các kiến nghị để nghiên cứu trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội dự luật quan trọng này.