Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Phước Lộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, về công tác pháp chế của Bộ, hiện nay, tổ chức pháp chế ngành Giáo dục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55) và Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ĐBQH Nguyễn Phước Lộc (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh)
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện công tác pháp chế có chất lượng các nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả như: rà soát văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên quan đến ngành để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc không tiếp tục soạn thảo do không còn phù hợp với điều kiện thực tế; tập trung soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thâm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án nhằm hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật; thẩm định, góp ý, tư vấn văn bản pháp luật đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác pháp chế vẫn chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án còn chậm được ban hành, chưa đồng bộ, việc điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; tham gia các Hội đồng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo, tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm. Cán bộ làm công tác pháp chế tại Bộ hiện nay hầu hết chưa qua thực tiễn quản lý từ cơ sở hoặc địa phương, chưa có chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm và giỏi về kiến thức quản lý giáo dụ:
100% cán bộ, công chức làm công tác pháp chế hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo có trình độ cử nhân luật trở lên đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 55, trong đó, 04 cán bộ có từ 02 bằng đại học trở lên, 07 cán bộ có bằng thạc sĩ chuyên ngành luật và khoa học giáo dục, 03 tiến sĩ (02 chuyên ngành Luật và 01 chuyên ngành Quản lý giáo dục); 01 cán bộ đang học nghiên cứu sinh (Quản lý giáo dục).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các ĐBQH
Về công tác thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác thanh tra của Bộ luôn được quan tâm nhất là trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản pháp quy về công thanh tra. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn công tác thanh tra năm học đối với các sở giáo dục và đào tạo, với các cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm; tiến hành sơ kết công tác thanh tra.
Trên cơ sở các quy định về giáo dục và thanh tra, từ năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển hướng từ thanh tra chuyên môn sang tập trung vào thanh tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nhằm tác động mạnh vào cả hệ thống. Bên cạnh việc tổ chức thanh tra của Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo đổi mới hoạt động thanh tra của các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học. Nội dung thanh tra tập trung việc thực hiện Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình thực hiện như: việc thực hiện các cam kết thành lập trường đại học, điều kiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo; việc liên kết đào tạo; tình trạng lạm thu; dạy thêm, học thêm... Đồng thời, Bộ cũng kịp thời điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện. Việc tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc. Công tác thanh tra đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, công tác thanh tra giáo dục cũng còn một số hạn chế như: việc thanh tra giáo dục ở cấp huyện nhiều nơi còn trống từ khi Luật Thanh tra không cho phép phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng thanh tra; công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học còn bất cập; lực lượng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc phối hợp các lực lượng làm công tác thanh tra giáo dục còn hạn chế, việc nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật của cơ sở, địa phương chưa kịp thời.
Để khắc phục hạn chế này, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống thanh tra giáo dục; tổ chức nắm bắt thông tin một cách thường xuyên và kịp thời xử lý và tham mưu xử lý các vấn đề nóng, bức xúc; nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Thanh tra.
Hiện nay, Bộ đang triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020”. Phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được mục tiêu của Đề án đề ra, lực lượng làm công tác thanh tra tại Bộ cần phát triển cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.