Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội)
Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), hiện nay công nghệ thu phí đường bộ tự động rất phát triển, nhiều tuyến đi rừng đã áp dụng thu tự động không dừng. Tại sao các trạm thu phí trên đường cao tốc vào cửa ngõ phía Nam Hà Nội lưu lượng giao thông rất đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc thì lại không thực hiện thu tự động mà lại thu bằng biện pháp thủ công cả ở trạm phát vé đầu vào và trạm thu tiền đầu ra.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc chậm triển khai có thể là do năng lực nhà thầu yếu kém, không đủ khả năng triển khai thu phí tự động không dùng như các trạm khác đã thực hiện. Nếu vậy, tại sao năng lực yếu kém lại được nhận thầu BOT tuyến đường quan trọng nhất này? Vậy nếu không phải vì năng lực yếu kém thì chỉ vì lý do nhà thầu BỌT này cố tình không muốn áp dụng biện pháp thu phí công khai, minh bạch để cố tình che giấu doanh thu (thực tế qua thanh tra, kiểm toán trạm thu phí Pháp Vân đã khai gian tiền thu mỗi ngày hàng tỷ đồng). Thực chất đó cũng là tham ô tiền thu mang tính chất như thu ngân sách. Vậy đơn vị này phải chịu trách nhiệm xử lý thế nào? Vì sao vẫn để các đơn vị lừa dối, tiếp tục thực hiện các dự án BOT.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các ĐBQH
Trả lời chất vấn của ĐBQH Hoàng Văn Cường tại văn bản số 12925/BGTVT-ĐTCT ngày 16/11/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn trước năm 2017, chủ trương triển khai hệ thống thu giá tự động không dừng mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giai đoạn 1 áp dụng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nên một số trạm thu giá tại các cửa ngõ Thủ đô triển khai chậm hơn so với các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Kể từ ngày 27/3/2017, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, trong đó cho phép triển khai hệ thống thu giá tự động trên toàn quốc. Đối với các trạm thu giá cao tốc vào cửa ngõ phía Nam (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình), trên cơ sở Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, đề xuất của các Nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu giá tự động, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đến nay Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu giá tự động không dừng đã được các Bên ký kết, đang triển khai lắp đặt thiết bị, dự kiến sẽ vận hành hệ thống trong năm 2017.
Ngoài ra, để đảm bảo thuận tiện trong kết nối liên thông, công khai, minh bạch trong việc quản lý doanh thu thu giá tại các trạm BOT, tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg có quy định nhà đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống thu giá tự động không dừng do Bộ GTVT lựa chọn, các nhà đầu tư BOT chỉ ký Hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu giá tự động không dùng được Bộ GTVT lựa chọn. Hiện nay, Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang phối hợp với Công ty TNHH thu phí tự động không dùng để triển khai thực hiện việc thu giá tự động không dừng.
Để kiểm soát doanh thu tại trạm thu giá Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên ngành về việc thu giá của dự án trong thời gian 10 ngày. Thực tế trong quá trình kiểm tra, giám sát chuyên ngành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa phát hiện việc vi phạm trong công tác thu giá. Trong 10 ngày kiểm tra cho thấy, cũng có sự chênh lệnh nhất định giữa các ngày với nhau. Đồng thời, thực tế hiện nay, số liệu doanh thu thu giá cũng đã cao hơn thời điểm Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra.
Trên kết quả kiểm tra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác thu giá của dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ nói riêng và các dự án BOT nói chung để đảm bảo chính xác, minh bạch. Số liệu thực tế về doanh thu sẽ được Bộ GTVT cập nhật, tính toán trong phương án tài chính dự án, điều chỉnh lại thời gian thu giá hoàn vốn. Đồng thời, đối với dự án này, Bộ GTVT chỉ đạo Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện thu chung với dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nhằm tạo sự kiểm tra, theo dõi chéo, giám sát lẫn nhau trong công tác thu giá dịch vụ./.