Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An
Ngày 06/11/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có văn bản số 4653/LĐTBXH-VP trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Cụ thể:
Theo kết quả Điều tra lao động - việc làm hàng quý do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy từ năm 2011 trở lại đây tỷ lệ thất nghiệp chung của Việt Nam dao động khoảng 2,2-2,3% (tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 3,2%). Tính chung 9 tháng năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,26%, trong đó khu vực thành thị là 3,19%, khu vực nông thôn là 1,79%, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,63%.
Khi Việt Nam tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân,...thì tỷ lệ thất nghiệp có thể có nguy cơ tăng, đặc biệt đối với lao động chưa qua đào tạo, không có kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn ĐBQH
Với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp như tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về pháp luật lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp: Dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung, Luật sửa đổi bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đề án về phát triển thị trường lao động, đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp; Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, định hướng đên 2030; Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp,...
Bên cạnh đó, Bộ cũng phát triển nguồn nhân lực thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Tập trung nâng cao chất lượng và đào tạo kỹ năng, nghề mới cho người lao động để thích ứng với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chú trọng đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động; Chỉ đạo các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm, các dự án hỗ trợ về việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiếu số, phụ nữ nghèo nông thôn, người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biển,...trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,...Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo chuyển đổi nghề cho người thất nghiệp, đảm bảo mục tiêu giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động; tổ chức hồ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
Tổ chức, nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm định hướng cho người lao động; lấy nhu cầu nhân lực của nền kinh tế quốc dân làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm;...