QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Quốc hội khóa XV đang thực hiện Kỳ họp thứ 4 với việc cho ý kiến, xem xét thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết và một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế-xã hội trên tinh thần đóng góp thẳng thắn, đúng, trúng vấn đề với trách nhiệm cao nhất.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội là nhìn nhận và đưa ra những đề xuất đối với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật, không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định; dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ rừng tự nhiên, tỉnh Bắc Kạn đồng tình và thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, dừng khai thác và tạm dừng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo quy định.
Tuy nhiên, với diện tích rừng tự nhiên lớn, chiếm 56 diện tích đất tự nhiên, trong đó có khoảng 30% diện tích rừng thuộc trạng thái rừng vầu nứa nhỏ, rừng tự nhiên chưa có trữ lượng với khoảng 35.000ha; khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế là không cao, không tạo thu nhập cho người dân được giao quản lý, bảo vệ. Bên cạnh đó, chính sách giao khoán, bảo vệ rừng tự nhiên vừa không kịp thời.
Năm 2021, kinh phí giao khoán hỗ trợ phát triển rừng chưa đủ chi trả, vừa rất thấp, chỉ 400.000 đồng/ha/năm. Các chính sách về chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng cơ bản chưa được thực hiện, người dân thiếu đất sản xuất, không đảm bảo đời sống và điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Đó là căn nguyên của các mâu thuẫn và bất cập trong thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng tự nhiên và cuộc sống của người dân. Từ những lý do nêu trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung như sau:
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Một là, cho chủ trương thực hiện biện pháp kỹ thuật trồng bổ sung làm giàu rừng, các loài cây cho thu hoạch lâm sản ngoài gỗ và có hướng dẫn việc hưởng lợi đối với cây trồng này, góp phần giúp người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện bảo vệ tốt rừng tự nhiên; đồng thời tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân.
Hai là, phân cấp cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên đối với các dự án có sử dụng diện tích rừng tự nhiên từ 20ha trở xuống. Để đảm bảo chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án giao thông thì phải chuyển đổi đất rừng như diện tích trải dài vài chục km trên toàn tuyến, tổng diện tích thì lớn nhưng không tập trung.
Ba là, tại Điều 61 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định có 5 loại dịch vụ môi trường rừng. Luật được thông qua đến nay đã 5 năm nhưng không phải dịch vụ môi trường rừng nào cũng được các bên sử dụng dịch vụ chi trả cho người dân. Điển hình như dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.
Ngay tại Khoản 5, Điều 57 Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp cũng đã nêu rất rõ là đến hết năm 2020 thực hiện xong thí điểm việc chi trả tiền dịch vụ này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện tổng kết và trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng. Tuy nhiên, văn bản của Chính phủ quy định về nội dung này chưa được ban hành.
Nhằm giảm áp lực phá rừng, tăng cường nguồn lực bảo vệ rừng tự nhiên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, rất cần những giải pháp cụ thể, kịp thời, hệ thống thể chế hoàn chỉnh để có cơ sở pháp lý vững chắc, tạo ra nguồn lực chi trả xứng đáng, đảm bảo đời sống cho người dân được giao quản lý, bảo vệ rừng và cho hoạt động quản lý, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các địa phương có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng lớn như Bắc Kạn.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân trích dẫn trong một bài viết gần đây trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ sự trăn trở: Tại sao gọi là rừng vàng nhưng người giữ rừng vẫn nghèo? Điều cần thiết hiện nay là làm thế nào để rừng được thực sự là rừng vàng, rừng phải nuôi được rừng và giữ được người. Trăn trở đó của Bộ trưởng cũng là mong mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh có rừng. Chính quyền địa phương và cử tri mong lắm những quyết sách khẩn trương, kịp thời của Chính phủ, của Bộ, ngành chuyên môn./.