TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 27/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành 02 ngày liên tiếp thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả.
Đại biểu cho biết, năm 2022 đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh tình thế giới nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân và sự nổi nỗ lực hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. GDP dự kiến cả năm đạt 8%, kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu rõ, sự tăng trưởng còn phụ thuộc vốn vào lao động. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu 3 kiến nghị.
Một là, Chính phủ tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả. Đến hết tháng 9 năm 2022 mới chỉ đạt 46,7 % vốn ODA chỉ đạt 15 %. Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm do không có khối lượng hoàn thành để làm cơ sở giải ngân theo quy định chậm triển khai dự án, thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao, chậm nhận được ý kiến từ nhà tài trợ. Do vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc triển khai thực hiện Dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao. Đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh vốn phân bổ. Bên cạnh đó, các chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành.
Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Hai là, Chính phủ đánh giá cụ thể hơn kết quả tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đến thời điểm hiện nay tỉ lệ giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn đạt thấp, tính đến cuối tháng 9 đạt 20%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường nhất định, mở rộng thị trường trong nước.
Ba là, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước./.