Về trợ cấp tai nạn lao động, trong Khoản 5, Điều 39 có quy định: “Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.”
Góp ý về quy định này, đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng: khi xảy ra tai nạn lao động, mất mát của người lao động, nhất là người lao động bị tai nạn lao động nặng là vô cùng lớn. Trong khi đó, theo đại biểu, trên thực tế cũng rất khó để có thể phân biệt rạch ròi lỗi do người sử dụng lao động hay do người lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị, trợ cấp tai nạn lao động không nên đưa ra quy định phân biệt lỗi do người sử dụng lao động hay do người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, phải xử lý đúng mức, kịp thời và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân gây ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động ở những đơn vị cấp huyện có công nghiệp phát triển...
Về vấn đề bệnh nghề nghiệp, đại biểu chia sẻ, trong 20 năm qua, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 101.700 người lao động được khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp. Trong năm 2014, có đến 6.793 người nghi mắc bệnh nghề nghiệp. Trong đó, chỉ có 443 người được giám định và thực hiện chính sách về bệnh nghề nghiệp.
Đại biểu cho biết, trong năm 2014 chỉ có 1.112.948 người lao động được khám sức khỏe định kỳ, giảm 46,2% so với năm 2013.
Với hiện trạng này, đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động vào Khoản 2, Điều 7. Đồng thời, đề nghị thanh tra lao động các cấp khi thực hiện nhiệm vụ cần quan tâm kiểm soát vấn đề này, tổ chức công đoàn cũng quan tâm hơn trong giám sát việc thực hiện.
Đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng, Quốc hội cần xem xét, quan tâm hơn đến việc kiểm soát bệnh nghề nghiệp, bởi bệnh nghề nghiệp sẽ đeo đẳng người lao động đến suốt cuộc đời, là gánh nặng đối với xã hội và gia đình người lao động.