Đại biểu Đặng Thị Kim Chi cho rằng những quy định tại điểm d, đ khoản 3, Điều 51 về quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ chưa có tính khả thi cao. Cụ thể, điểm d quy định: Trước khi nhập ngũ mà đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí việc làm, bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm tiền lương trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm; và theo điểm đ:Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế khi xuất ngũ tổ chức kinh tế đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật.
Đại biểu phân tích, luật quy định như vậy để có tính ràng buộc các tổ chức phải có trách nhiệm lo việc làm cho thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ trở về. Tuy nhiên, tính khả thi của các quy định này đến đâu thì cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Đại biểu dẫn chứng bằng ví dụ: Ở cấp xã, một bí thư xã đoàn khi tham gia nghĩa vụ quân sự thì họ phải nghỉ công việc đang làm. Tới khi họ đi nhập ngũ thì ai sẽ là người đảm nhận việc này. Còn nếu bây giờ xã đó tuyển hoặc bầu người khác thì sẽ bố trí như thế nào. Đối với các cơ sở kinh tế thì lại càng khó. Bởi vì khi họ giải thể rồi, 1 đến 2 năm sau.., 24 tháng hoặc 18 tháng… thanh niên trở về thì tổ chức kinh tế phải giải quyết chế độ như là đối với những người làm trong đơn vị kinh tế đó khi bị giải thế. Liệu cơ sở kinh tế đó có làm được như vậy không. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn và quy định chặt chẽ thì điều luật mới có thể thực thi được.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi cũng chia sẻ, trên thực tế, việc quân nhân xuất ngũ có việc làm tại địa phương đang rất ít. Sau khi xuất ngũ, đa số họ phải đi làm thuê ở những nơi xa. Ví dụ, thanh niên ở Phú Yên thì thường vào thành phố Hồ Chí Minh làm. Nhưng sau đó họ phải tham gia lực lượng dự bị động viên. Và khi họ về tìm việc làm ở tại nơi mà họ đã làm thuê rất khó khăn, có khi còn bị mất việc. Như vậy, không đảm bảo được đời sống của họ. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại những quy định của dự thảo luật về vấn đề này.