Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng. Song cần phải có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hóa thành pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định các nội dung này trong Luật.
Ảnh: Đình Nam
Tán thành với quan điểm trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng mặc dù đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhưng cần có thời gian kiểm nghiệm thực tiễn và đúc kết kinh nghiệm, việc chưa quy định nội dung cụ thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của Đảng, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng là phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đại biểu cũng góp ý thêm, dự thảo Luật chưa nên quy định ở Khoản 4, Điều 3 quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tham gia xây dựng Đảng, việc ghi nhận quyền tham gia xây dựng Đảng đã được đề cập chung ở Khoản 2, Điều 1 là đủ. Nếu quy định như ở Khoản 4, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước nhưng nội dung sau đó của Luật chỉ có xây dựng nhà nước mà không có nội dung xây dựng Đảng thì sẽ không đồng bộ trong luật. Vì vậy tại Khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ nên đề cập đến trách nhiệm tham gia xây dựng nhà nước và gộp thành một khoản đó là: tham gia xây dựng nhà nước, thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Liên quan đến quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật quy định đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu đặt ra câu hỏi phạm vi đối tượng như vậy có quá rộng không và liệu Mặt trận Tổ quốc có giám sát được hết và có cần thiết phải giám sát hết như vậy không. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên quy định rõ các tổ chức, đơn vị cần thiết để giám sát, nhằm đảm bảo góp phần phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải là tất cả các tổ chức, đơn vị.
Đánh giá hiệu quả kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc còn phụ thuộc vào việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Nếu các kiến nghị đó không được xem xét giải quyết hoặc xem xét giải quyết không đến nơi đến chốn sẽ không còn ý nghĩa việc giám sát của Mặt trận. Cho rằng quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vấn đề này mới chỉ là theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền như quy định tại Khoản 7, Điều 28, là chưa đủ. Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm: "Quyền đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức nếu cơ quan này không xem xét giải quyết hoặc xem xét giải quyết không đến nơi đến chốn các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc".