ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: LƯU Ý KỸ NGUYÊN TẮC ĐỀN BÙ, TÁI ĐỊNH CƯ TRONG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

03/07/2023

Tham gia thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cần lưu ý kỹ nguyên tắc đền bù, tái định cư.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Chỉ số nào đánh giá “cuộc sống tốt hơn”?

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cử tri. Cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực để tiếp thu đến 12 triệu lượt ý kiến và bám sát Nghị quyết 18 để hoàn thiện bản thảo lần này.

Quan tâm cho ý kiến về nguyên tắc đền bù, tái định cư, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ tại mục 7.1 có giải thích về Điều 90 trong dự thảo về nguyên tắc bồi thường, tái định cư thì bỏ phần người dân sau khi được đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân 

Đại biểu cho rằng, phần này chưa bám sát vào Nghị quyết 18, cụ thể nêu ở mục 2.3. Trong tờ trình nói việc bỏ vấn đề này ra ngoài vì do còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu giải thích như thế không thuyết phục, bởi vì chúng ta hiểu chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18. Trong Nghị quyết 18 có nêu cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước không có nghĩa đen là người ta sẽ phải có nhà to hơn hoặc đường vào thênh thang hơn hoặc lương cao hơn mà cuộc sống tốt hơn thì có nhiều chỉ số đánh giá.

Để đánh giá vấn đề đó thì một trong những phương pháp đơn giản nhất là các nhà xã hội học phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn theo mẫu, có thể phỏng vấn mẫu 10, mẫu 20, mẫu 30 tùy theo mình, nhưng khi đánh giá, khi phỏng vấn người dân cảm nhận cuộc sống tốt hơn, người ta được sống ổn định hơn, con được tới trường hoặc vì một lý do nào đấy chứ không nhất thiết lúc nào cũng có nghĩa người ta có nhà to hơn. Cho nên, khi ta hiểu theo nghĩa đen, nghĩa cụ thể như thế thì chúng ta sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều là không xác định được như thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.

Đại biểu chỉ ra rằng, cách xác định này đã được làm thí điểm ở nhiều dự án ODA trước đây. Có nhiều dự án chúng ta vay vốn Ngân hàng Thế giới, người ta đã tiến hành phương pháp này rồi. Người ta phỏng vấn, người ta đánh giá là người dân hài lòng với cuộc sống và như thế là người dân có cuộc sống tốt hơn. Chính vì chúng ta hiểu về phần này không đúng cho nên dẫn tới Điều 95 là thu hồi đất nông nghiệp thì sau đó đền bù bằng nhà ở.

Ở đây chúng ta mới quan tâm đến thu nhập cụ thể của họ, còn cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng thì chúng ta chưa quan tâm, vì nếu như người ta mất đất nông nghiệp nghĩa là người ta mất sinh kế. Chúng ta đền bù bằng nhà ở, người ta có thể mang nhà đó cho thuê để kiếm tiền, nhưng công việc hằng ngày người ta không có và đấy là ảnh hưởng đến đời sống, xã hội. Có thể tiền người ta thu nhập cao hơn nhưng cuộc sống người ta sẽ kém đi và đến một lúc nào đó người ta sẽ bán nhà đó để quy đổi thành tiền người ta tiêu, cuối cùng người ta lại trở thành vô gia cư. Cho nên, Điều 95 chúng ta cần phải hết sức lưu ý.

Có thể khảo sát giá thị trường trước khi có dự án

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, việc xác định giá thị trường là rất khó xác định. Bởi vì, chúng ta chưa đưa ra một quy trình xác định giá thị trường hoặc trong dự thảo luật lần này chúng ta chưa đưa ra một trình tự về lập báo cáo tái định cư. Chúng ta có nêu các bước tái định cư nhưng lại chưa quy định nội dung của báo cáo tái định cư gồm những gì, lập ở thời điểm nào và nó phải xảy ra trước khi được xác định giá đền bù là thời điểm nào, vì nếu báo cáo tái định cư mà chúng ta lập trước cùng với báo cáo khả thi thì lúc đó chúng ta sẽ xác định được cách tiếp cận với giá thị trường nêu trong Nghị quyết 18.

Nghị quyết 18 có nêu là tiếp cận giá thị trường, chúng ta không hiểu nghĩa đen là chúng ta phải đền bù tại thời điểm thị trường lúc người dân nhận tiền đền bù. Cách tiếp cận thị trường chúng ta có thể khảo sát giá thị trường trước khi có dự án, nếu chúng ta để dự án hình thành rồi mới đền bù theo giá đấy thì sẽ xảy ra kiện tụng rất nhiều. Người dân, cử tri cần phải được truyền thông để hiểu rằng giá người ta nhận đền bù giá thị trường là giá tại thời điểm trước khi hình thành dự án, được đánh giá theo các chỉ số, có thể thông qua dữ liệu đất đai của quốc gia, cũng có thể thông qua địa phương, thông qua tham vấn cộng đồng và thông qua nhiều giao dịch trước đấy 6 tháng gần nhất hoặc 1 năm gần nhất thì lúc đấy chúng ta sẽ xác định giá thị trường.

Giá thị trường này sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nó chính là cơ sở pháp lý để đền bù cho người dân, không phải nó thời xảy ra tại thời điểm người dân bị thu hồi đất. Chúng ta không quy định rõ phần này thì chúng ta sẽ lúng túng trong việc xác định giá đền bù theo cơ chế giá thị trường, cũng như xác định cuộc sống để đánh giá người ta thế nào là tốt hơn.

 Theo đại biểu, chúng ta nên hiểu cơ sở thực tiễn này đã có, chúng ta đã làm thí điểm, chúng ta có thể tìm hiểu lại một số các dự án đã xảy ra trên toàn quốc và rất nhiều nơi, nhiều vùng, sau đó nghiên cứu kỹ lại Nghị quyết 18 và cơ quan soạn thảo có thể giải thích lại cho cử tri để lấy ý kiến đồng thuận. Không thể chỉ vì một vài ý kiến không hiểu về nghị quyết, không thống nhất về cơ chế giá đền bù mà chúng ta lại bỏ nguyên tắc này ra khỏi đền bù thì chúng ta lại đi thụt lùi so với những lý luận đã đi trước.

Hồ Hương

Các bài viết khác