PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC GIA ĐÌNH VIỆT TRONG THỜI KỲ MỚI

28/06/2023

Gia đình có vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi cá nhân, giúp giữ gìn, chuyển trao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân dịp ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có buổi trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc giữ gìn, phát huy bản sắc gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: THỰC THI LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ TRẺ EM 

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHẬT GIÁO TÔ BỒI ĐẠO ĐỨC CHO GIỚI TRẺ 

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - QUYẾT TÂM VÀ KỲ VỌNG! 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, gia đình có vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi cá nhân, giúp giữ gìn, chuyển trao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác

Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi nhận: gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố... Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc…

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Ông có suy nghĩ gì về thông điệp này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII là văn bản chỉ đạo rất quan trọng về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Đối với người Việt Nam chúng ta, gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, được coi như tổ ấm, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa hạnh phúc, rất thiêng liêng đối với mỗi người. Vì thế, khi chúng ta xây dựng được mỗi một gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh cũng là khi chúng ta đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đáng mơ ước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tôi nghĩ có thể chia những giá trị này thành 2 nhóm. Gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh mang ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Đầu tiên đó là tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân, ở đó, gia đình ấm no và hạnh phúc tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và tâm hồn. Một môi trường gia đình an lành, yêu thương và chăm sóc giúp mỗi người cảm thấy an toàn, tự tin và có khả năng khám phá và phát triển tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự hỗ trợ, chia sẻ và gắn bó vững chắc giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và các thành viên khác trong gia đình.

Tương tự như vậy, trong khi gia đình ấm no và hạnh phúc mang đến một môi trường ổn định, tin cậy và an toàn cho các thành viên, giúp mọi người cảm thấy yên tâm, tự tin và có thể tập trung vào sự phát triển của bản thân, chia sẻ và hỗ trợ trong những thời điểm khó khăn và thách thức; thì gia đình tiến bộ và văn minh giúp xây dựng các giá trị, quy tắc và tư tưởng tích cực trong xã hội. Việc truyền đạt giáo dục, đạo đức và tri thức trong gia đình đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng và quốc gia, góp phần xây dựng và truyền bá giá trị, quy tắc và văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đó duy trì và phát triển những giá trị truyền thống và đồng thời thích ứng với sự thay đổi của thời đại.

Tôi nghĩ, đó cũng là lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến những giá trị định hướng này tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tôi cho rằng, 4 giá trị này có mối quan hệ biện chứng với nhau và nên được coi là quan trọng và tương đồng nhau. Mỗi giá trị có vai trò riêng trong việc định hình và xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Phóng viên: Trong bối cảnh xã hội mới, các hình mẫu gia đình lý tưởng cũng có nhiều thay đổi. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về điều này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, mỗi một thời đại có kiểu gia đình phù hợp với thời đại ấy. Nhiều khi, chúng ta cũng phải chấp nhận sự thay đổi và tìm cách thích nghi tốt nhất với những thay đổi này. Có thể có những quan điểm trái chiều khác nhau về sự thay đổi của các mô hình gia đình mới, ở đó, những người bảo thủ thường coi đó như một chiều hướng có hại, làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp được vun đắp qua thời gian; trong khi đó, những người cấp tiến lại cổ vũ, hô hào sự thay đổi triệt để, xóa bỏ những gì dính dáng đến truyền thống, coi đó như những biểu hiện của cổ hủ, lạc hậu, cần phải bỏ đi để cập nhật với thế giới, tiến về phía trước.

Tôi lại ở phía trung gian khi tôi thấy cách tốt nhất là biết cách kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống đồng thời biết cách lựa chọn những yếu tố phù hợp để vun đắp cho gia đình hiện đại. Một xã hội đa dạng hơn cũng nên chấp nhận các kiểu gia đình đa dạng hơn với những giá trị phù hợp với bối cảnh thời đại mới.

 Theo PGS.TS - ĐBQH Bùi Hoài Sơn, cần kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời biết cách lựa chọn những yếu tố phù hợp để vun đắp cho gia đình hiện đại

Theo tôi, chính sách của chúng ta nên bắt đầu từ việc nhận thức rằng: Nếu chúng ta chấp nhận, ủng hộ quan điểm nam nữ bình quyền ở ngoài xã hội thì tư tưởng trọng nam, khinh nữ cũng phải loại bỏ ra khỏi đời sống gia đình. Còn những giá trị tốt đẹp khác được thể hiện trong gia lễ, gia phong, gia pháp, gia giáo vẫn phù hợp với lối sốn hiện đại, thậm chí còn tôn vinh những giá trị hiện nay thì tại sao chúng ta phải bỏ đi? Gia đình tuyệt vời nhất phải là gia đình Việt Nam của thế hệ Hồ Chí Minh, chứ không phải là gia đình không có bản sắc, hoặc là quá thủ cựu để những áp lực truyền thống không phù hợp cứ đè nặng mãi trong thành viên của gia đình.

Phóng viên: Hiện nay, có nhiều bạn trẻ lựa chọn sống độc thân, không lập gia đình. Điều này có ảnh hưởng đến việc xây dựng giá trị hệ gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” mà Tổng Bí thư đã nêu hay không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng là hiện nay, sự lựa chọn cách thức lập gia đình là do ý chí và cách sống của mỗi cá nhân. Tôi thấy nhiều bạn trẻ không lập gia đình, không lấy chồng mà sống kiểu đơn thân nuôi con. Bản thân tôi cũng nghĩ rằng mình không có quyền phán xét cách sống của người khác vì mỗi người lựa chọn theo sở thích riêng của họ, và bản thân họ chịu trách nhiệm về cách sống ấy.

Việc vui sướng, hạnh phúc hay không của một người, nhiều khi phụ thuộc vào chính bản thân họ, do họ quyết định chứ không phải do xã hội chi phối. Các cụ ta thường nói: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình hạnh phúc hay không với cách lựa chọn lập gia đình của mình! Nhưng đúng là, xét trên bình diện tổng thể xã hội, quốc gia, chúng ta vẫn cần có những gia đình đầy đủ, thể hiện tất cả những thông điệp về ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Đó cũng nên được xem là định hướng chung cho tất cả mọi người.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình đối với hôn nhân giữa những người đồng giới? Hành lang pháp lý của nước ta về vấn đề này nên được quy định theo hướng như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực ra, tôi nghĩ đây là vấn đề rất đáng tranh luận vì nó liên quan không chỉ đến pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức, không chỉ hiện tại mà còn tương lai, không chỉ là chuyện của một nhóm nhỏ mà là câu chuyện tổng thể quản trị xã hội nói chung.

Như thế, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, "sức ép" để mở rộng hành lang luật pháp về vấn đề gia đình, bao gồm việc công nhận hôn nhân đồng giới, là một phản ánh của sự thay đổi trong xã hội và nhu cầu của các cộng đồng LGBT trong việc có quyền tự do và bình đẳng. Việc xem xét và thảo luận về việc mở rộng hành lang luật pháp liên quan đến gia đình là một phần tự nhiên của quá trình phát triển xã hội và phản ánh quyền lợi và sự đa dạng của các cộng đồng. Các cơ quan lập pháp đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định về các vấn đề này, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng và công bằng.

Tuy nhiên, việc đối mặt với "sức ép" này có thể là một thách thức đối với các cơ quan lập pháp, vì sự đa dạng quan điểm và giá trị trong xã hội. Quá trình thảo luận và quyết định về việc mở rộng hành lang luật pháp trong vấn đề gia đình yêu cầu sự thận trọng, cân nhắc và đảm bảo các quyền và quyền lợi của tất cả các cá nhân và cộng đồng. Trong quá trình này, quan trọng là tôn trọng sự đa dạng quan điểm và quyền tự do cá nhân, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người, không phân biệt về giới tính, xu hướng tình dục, tôn giáo hay nguồn gốc xuất thân khác.

Tôi nghĩ rằng, quá trình mở rộng hành lang luật pháp liên quan đến gia đình là một quá trình dài và phức tạp, yêu cầu sự thảo luận, thông cảm và đối thoại giữa các bên liên quan. Trong quá trình này, quan trọng là đảm bảo các quyền cơ bản của con người và xem xét mục tiêu xã hội như sự bình đẳng, công bằng và tôn trọng đa dạng cũng như cả khía cạnh đạo đức lẫn truyền thống nữa.

Phóng viên: Theo ông, để xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, ngành văn hóa cần tập trung vào những giải pháp cơ bản nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Quản lý văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một xã hội lành mạnh từ sự điều tiết của văn hóa. Trong nhiều năm vừa qua, ngành văn hóa luôn xem xây dựng gia đình văn hóa như một trong những mục tiêu quan trọng để bảo đảm sự phát triển văn hóa, con người, trở thành tế bào lành mạnh cho xã hội.

Như vậy, khi nếp sống và gia đình đối diện với mâu thuẫn và xung đột, tôi nghĩ ngành văn hóa, cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của xây dựng nếp sống tốt đẹp trong gia đình. Ngành văn hóa cần khuyến khích truyền thông tích cực liên quan đến gia đình và nếp sống. Các quảng cáo, chương trình truyền hình và các sản phẩm nghệ thuật  nên tập trung nhiều hơn nữa vào giá trị gia đình, tình yêu, sự thông cảm và quan tâm lẫn nhau. Đồng thời, ngành văn hóa cũng có thể hỗ trợ việc sản xuất các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa mang thông điệp tích cực về gia đình và nếp sống. Khi chúng ta xem những bộ phim như Hương vị tình thân, chắc chắn tình yêu thương dành cho gia đình sẽ tạo điều kiện cho hạnh phúc được vun đắp.

 Xây dựng nếp sống và gia đình cần phải trở thành nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó ngành văn hóa đóng vai trò trung tâm, kết nối, tạo ra tinh thần và hành động cụ thể vì gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh

Thứ hai, ngành văn hóa có thể phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy việc đề cao giá trị gia đình và xây dựng nếp sống trong các chính sách chung của Nhà nước như thông qua việc đưa ra các quy định hỗ trợ cho gia đình, tạo ra các chính sách về cân bằng công việc và gia đình, và xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện với gia đình, tổ chức các sự kiện tôn vinh văn hóa gia đình.

Thứ ba, ngành văn hóa cũng có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để tạo ra các chương trình giáo dục và tư vấn dành cho gia đình để truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị nhân văn bao gồm các khóa học về quản lý xung đột, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng giải quyết vấn đề trong gia đình.

Thứ tư, ngành văn hóa có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho các hoạt động gia đình nhằm thúc đẩy sự gắn kết và tương tác giữa các thế hệ. Các hoạt động như picnic, thể thao, nghệ thuật, trò chơi gia đình hoặc các khóa học gia đình có thể giúp tạo ra môi trường thuận lợi để mọi người cùng tham gia và tìm hiểu về nhau.

Dù vậy, tôi vẫn nghĩ, xây dựng nếp sống và gia đình cần phải trở thành nỗ lực chung của toàn xã hội. Ngành văn hóa đóng vai trò trung tâm, kết nối, đưa ra những sáng kiến hay tổ chức các sự kiện, từ đó, tạo ra tinh thần và hành động cụ thể vì gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương