PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỤ THỂ VỚI ĐỀ XUẤT XÂY NHÀ HÁT CÁC DÂN TỘC

26/06/2023

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất xây dựng Nhà hát các dân tộc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội cho rằng, cần có đánh giá tác động cụ thể để hài hòa lợi ích của tất cả các bên trước khi quyết định xây dựng công trình quan trọng này.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHÁT TRIỂN VĂN HÓA PHẢI GẮN VỚI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỊA PHƯƠNG

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN CÓ MỘT CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VỀ VĂN HÓA

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội 

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy đất phía sau Nhà hát lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam. Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang xây dựng phương án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam. Tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ đã họp bàn, xem xét các phương án, trong đó có việc lựa chọn địa điểm. 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, địa điểm nêu trên nhằm mở rộng không gian Nhà hát lớn, tạo thành quần thể mang dấu ấn văn hóa riêng cho Thủ đô. Phía trước là Nhà hát lớn Hà Nội, sau là Nhà hát quốc gia với đầy đủ công năng, tiếp đến là Bảo tàng lịch sử quốc gia sẽ tạo thành hệ thống kết nối với không gian văn hóa Hồ Gươm, trở thành hệ sinh thái văn hóa riêng của Thủ đô, góp phần kích thích du lịch, kinh tế đêm cho thành phố. Nguồn lực xây nhà hát đã có bởi Chính phủ sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, vị trí được xem xét xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam sẽ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng bởi đây là vị trí "đất vàng" trung tâm của Thủ đô.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy đất phía sau Nhà hát lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, nhà hát nói riêng là hết sức cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang tập trung cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và cần có những thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh. Ở đó, không chỉ giúp chúng ta có thể tổ chức những chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn, có thương hiệu khu vực và quốc tế, mà còn giúp các nghệ sĩ có thể thể hiện tài năng của mình, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế để từ đó phát triển tài năng.

Thực trạng hiện nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội cho rằng, chúng ta đang thiếu các thiết chế văn hóa như vậy. Đa phần các nhà hát đều được xây dựng từ khá lâu, có công năng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại. Nhà hát tốt nhất mà chúng ta đang có lại là Nhà hát Lớn đã xây dựng cách đây hơn 100 năm (từ năm 1911), và luôn luôn quá tải, cũng đang chuẩn bị phải bảo dưỡng.

Dù sắp tới đây, Nhà hát Hồ Gươm sẽ được khánh thành nhưng kể cả như vậy cũng chưa đủ đáp ứng sự phát triển nghệ thuật ở Thủ đô trong những năm sắp tới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội cho biết, trên thế giới, dù khó so sánh, nhưng khu vực West End ở London nổi tiếng với nhiều nhà hát và được xem là trung tâm của ngành công nghiệp giải trí và văn hóa, hiện có khoảng 40 nhà hát chính, trong đó có một số nhà hát nổi tiếng trong khu vực này như Her Majesty's, Prince of Wales, Savoy, Apollo Victoria, và nhiều nhà hát khác. Ở khu vực trung tâm Bangkok, có nhiều nhà hát nổi tiếng như Bangkok Art and Culture Centre, Thailand Cultural Centre, Siam Niramit Bangkok, Bangkok Playhouse... Còn Singapore là một trong các trung tâm văn hóa và giải trí quan trọng của Châu Á, vì vậy có nhiều nhà hát nổi tiếng. Hiện tại, Singapore có khoảng 20 nhà hát chính hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật biểu diễn đến âm nhạc và phim ảnh. Một số nhà hát nổi tiếng ở Singapore bao gồm Esplanade - Theatres on the Bay, Victoria Theatre and Victoria Concert Hall, Drama Centre Singapore, Kallang Theatre, Sands Theatre at Marina Bay Sands, The Arts House, Capitol Theatre hay SOTA Concert Hall.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội, xem xét như vậy để thấy rằng, chúng ta cần có những thiết chế văn hóa nói chung, nhà hát nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa, đặc biệt là Hà Nội chính là trung tâm văn hóa của cả nước, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội cho rằng, để xây dựng nhà hát ở đâu lại là một vấn đề cần phải xem xét. Việc chúng ta xác định xây dựng nhà hát ở cạnh Nhà hát Lớn phù hợp ở việc thiết chế văn hóa cần ở vị trí trung tâm, dễ tiếp cận để từ đó thuận tiện cho việc thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật, cũng như lan tỏa những giá trị chân – thiện – mỹ đến với công chúng.

Tuy vậy, đây lại là một vị trí đặc biệt cả về kiến trúc, mật độ cư dân, điều kiện lịch sử nên luôn đòi hỏi cần có những công trình phù hợp. Không gian ở đây cũng khá nhỏ, không hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng một thiết chế văn hóa hiện đại, cần có không gian rộng rãi để phục vụ những nhu cầu đa dạng, phong phú, một công trình có nhiều thiết kế phức tạp để phù hợp với sự phát triển công nghệ, và tạo thành một không gian sáng tạo cho mọi người. Như vậy, cần có đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa cụ thể để hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trước khi quyết định xây dựng một công trình quan trọng như Nhà hát các dân tộc ở khu vực này./

Thu Phương