ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: CẦN QUY ĐỊNH RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CHÍNH SÁCH CHO LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

27/06/2023

Góp ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, chính sách cho lực lượng này.

TIẾP TỤC QUAN TÂM HƠN VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở  có bố cục gồm 05 chương, 31 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật quy định cụ thể tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền; quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương…

Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phát biểu góp ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 5,  ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sáp nhập ba lực lượng: bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với các cơ sở chính trị, thực tiễn mà Tờ trình Chính phủ đã nêu.

Tuy nhiên, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này. Đánh giá kỹ về tình hình an ninh trật tự hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ của công an xã, phát huy vai trò nhân dân trong phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các hoạt động tự nguyện, tự quản ở cơ sở. Từ đó quy định phù hợp về số lượng, chính sách, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để khi luật được Quốc hội thông qua thì các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện; phát huy được vai trò của lực lượng này.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, cần xác định lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ ở là lực lượng hỗ trợ Công an xã, để quy định rõ, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, chính sách cho lực lượng này. Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có quy định phù hợp về nhiệm vụ của lực lượng này. Dự thảo Luật đưa phần lớn nhiệm vụ của công an xã trong Pháp lệnh Công an xã trước đây thành nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa phù hợp, dù chỉ ghi là hỗ trợ cho công an xã để thực hiện các nhiệm vụ này. Đây chỉ là lực lượng hỗ trợ về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không phải là một lực lượng được tổ chức chính quy, không có lương nên cần rà soát, điều chỉnh quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12 cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị, phân định rõ nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng công an xã giao hết nhiệm vụ của mình cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; không quy định những nhiệm vụ quá phức tạp, vượt quá khả năng của lực lượng này. Các nhiệm vụ quy định tại dự thảo Luật mới nhất vẫn còn nặng, cần nghiên cứu điều chỉnh thêm. Đặc biệt là ở khoản 3 Điều 12 cần làm rõ không quy định theo hướng "các nhiệm vụ khác" mà làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này là những nhiệm vụ nào. Bên cạnh đó, cần quy định rõ mối quan hệ giữa lực lượng này với các tổ chức khác ở cơ sở để xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và có đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị không quy định điểm đ, khoản 2 Điều 20 về các chính sách khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi lại hằng ngày. Dự thảo Luật đã quy định đây là lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, nghĩa là hoạt động của họ gắn trực tiếp với cơ sở, nơi mà họ được người dân địa phương bầu chọn, nơi sinh sống của họ. Khi có tình huống bất ngờ xảy ra thì các lực lượng chính quy khác sẽ được huy động, chính lực lượng này khi đó sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong điều kiện bình thường trong việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì thế, không điều động lực lượng này đi công tác nơi khác, trừ khi đi tập huấn, đi bồi dưỡng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết  cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm đến ngân sách chi cho lực lượng này sau khi thành lập, nhất là ở các địa phương mà ngân sách trung ương phải hỗ trợ vì nếu không quy định rõ các địa phương này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của lực lượng này. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn về nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này sau khi lực lượng này được thành lập/.

Thu Phương