PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: THỰC THI LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ TRẺ EM

26/06/2023

Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vừa qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đã đến lúc mỗi quốc gia cần có hành lang pháp đủ mạnh để bảo vệ sức khỏe trẻ em trước các sản phẩm sữa thay thế này.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIỮ GÌN VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC TRONG SÁNG CỦA NGƯỜI LÀM BÁO

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - QUYẾT TÂM VÀ KỲ VỌNG!

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHẬT GIÁO TÔ BỒI ĐẠO ĐỨC CHO GIỚI TRẺ

Phóng viên: Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vừa qua. Vấn đề bảo vệ sức khỏe của trẻ em trước các sản phẩm sữa thay thế là một nội dung quan trọng được các đại biểu của hơn 100 quốc gia cùng tham gia thảo luận. Ông có suy nghĩ gì đối với nội dung của Hội nghị?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Từ ngày 20/6 đến 22/6/2023, tôi tham dự Hội nghị Toàn cầu về Thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế Sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Hội nghị toàn cầu năm nay có sự tham gia của đoàn đại biểu của hơn 100 nước bao gồm đại diện của một số cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, một số tổ chức phi Chính phủ, tổ chức dân sự và một số học giả về lĩnh vực này.  

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham dự Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 20/06 đến 22/06/2023

Với mục tiêu xây dựng các lộ trình và kế hoạch hành động nhằm tăng cường công tác xây dựng pháp luật ở mỗi quốc gia cho phù hợp với pháp luật quốc tế, giám sát việc thực thi pháp luật về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đồng thời, xây dựng mạng lưới khu vực để chia sẻ thông tin và hỗ trợ hành động của các quốc gia về thực hiện Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế Sữa mẹ. Việc chúng ta tham gia hội nghị lần này để có nhận thức rõ hơn về pháp luật quốc tế liên quan đến lĩnh vực quan trọng này và sẽ giúp cho việc đẩy mạnh công tác xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế.

Phóng viên: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên hiện có nhiều sản phẩm sữa thay thế trên thị trường được quảng bá khiến truyền thống nuôi con bằng sữa mẹ có những ảnh hưởng nhất định. Theo ông chúng ta cần làm gì trước thực trạng này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, chính vì thế, chăm sóc cho trẻ em luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, dưới áp lực quá nhiều từ cuộc sống, việc nuôi con trẻ không đúng cách nhiều khi đã trở thành một rào cản không chỉ cho sự trưởng thành của trẻ em, mà còn sự tiếp nối của văn hóa, sự phát triển của tương lai đất nước. Trong các yếu tố đó, giai đoạn đầu đời, nuôi con bằng sữa mẹ là một bước không thể bỏ qua.

Chúng ta biết rằng, sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng thiên nhiên tuyệt vời mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của trẻ sơ sinh mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Việt Nam sẽ tổn thất 2 tỷ đô la (0,54% GDP) mỗi năm về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kinh tế khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹ.

Tuy nhiên, hiện nay việc quảng cáo những sản phẩm thay thế sữa mẹ đã gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ em. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt điều này. Tôi cho rằng, cần có sự hạn chế quảng cáo những sản phẩm thay thế sữa mẹ thông qua nỗ lực của các cơ quan lập pháp ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ tại Geneva, Thụy Sĩ  

Tôi cho rằng, nuôi con bằng sữa mẹ là quá trình tự nhiên và tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất béo, carbohydrate và vitamin, đồng thời cung cấp kháng thể và các yếu tố miễn dịch giúp trẻ phòng chống bệnh tật. Thêm vào đó, sữa mẹ có thể tiêu hóa dễ dàng hơn so với sữa công thức và giúp giảm nguy cơ bị tiêu chảy và nhiễm trùng đường ruột. Quan trọng là việc tiếp xúc với mẹ trong quá trình cho con bú cũng giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết và tạo ra một môi trường an lành cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu trẻ em tử vong do không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong khi đó, ở Việt Nam trong 5 trẻ sinh ra thì chỉ có 3 trẻ được bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh và 1 trẻ còn duy trì được bú tiếp đến 24 tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi đã tăng lên từ 19% (năm 2010) lên 45% (năm 2020) nhờ Luật Quảng cáo 2012 của chúng ta đã cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và Luật Lao động đã tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng. Đồng thời, từ năm 2017, Việt Nam chúng ta cũng đã triển khai thiết lập và vận hành thí điểm tại 5 Ngân hàng sữa mẹ.

Mặc dù vậy, các chiến dịch quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến và hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Quảng cáo này thường đưa ra những lời tuyên truyền sai lệch, nhấn mạnh những lợi ích không thực sự của sản phẩm thay thế sữa mẹ và tạo áp lực lên các bà mẹ. Đặc biệt là khi Việt Nam là một trong những quốc gia dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm thay thế sữa mẹ ở trên mạng nhất trên thế giới.

Tôi cho rằng, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc nuôi con bằng sữa mẹ và tác động xấu đến sức khỏe của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ có khả năng chống chịu bệnh tật tốt hơn, ít mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức.

Phóng viên: Như ông chia sẻ, từ năm 2017, Việt Nam chúng ta cũng đã triển khai thiết lập và vận hành thí điểm tại 5 Ngân hàng sữa mẹ. Hiện tại sự tiếp cận của trẻ em được sử dụng nguồn sữa từ các Ngân hàng này như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Từ năm 2017, Việt Nam đã triển khai thiết lập và vận hành thí điểm tại 5 Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện nhi Trung Ương (Hà Nội), Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) và 2 Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam và Bệnh viện quốc tế Phương Châu (Cần Thơ). Sau 5 năm hoạt động, mạng lưới Ngân hàng sữa mẹ Việt Nam đã có tổng cộng hơn 4.000 bà mẹ hiến tặng khoảng 30.000 lít sữa, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh. Sử dụng sữa mẹ thanh trùng được chứng minh là giảm ba lần viêm ruột hoại tử so với sữa công thức; giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong 28 ngày đầu đời so với sữa công thức; giúp giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn tới 10 ngày so với sữa công thức…Bên cạnh đó, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn lúc ra viện tăng 10% tại đơn vị hồi sức kể từ khi có Ngân hàng sữa mẹ. Trẻ sinh non nuôi dưỡng bằng sữa mẹ thanh trùng có khả năng dung nạp tốt hơn, ít nôn, ít ứ sữa, và giảm tiêu chảy so với trẻ nuôi bằng sữa công thức.

Tại Việt Nam, từ khi có hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Quảng Ninh, tỉ lệ tử vong trẻ cực non (dưới 28 tuần) giảm 17,6% (so sánh 2020 và 5 tháng đầu năm 2021), tỉ lệ viêm ruột hoại tử giảm từ 12,6% năm 2019 còn 2,1% trong 5 tháng đầu năm 2021. Tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2018 có 617 ca viêm ruột hoại tử thì đến năm 2021, khi số trẻ được sử dụng sữa mẹ thanh trùng tăng lên, thì chỉ còn 83 ca viêm ruột hoại tử. Đặc biệt, từ 8 ca tử vong do viêm ruột vào thời điểm năm 2018 thì đến năm 2021 không có ca tử vong nào. Khi trẻ được dùng sữa mẹ thanh trùng sẽ giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh cực non (26-28 tuần) từ 48 ca xuống còn 28 ca…

Tuy nhiên giá sản phẩm sữa mẹ thanh trùng đang áp dụng tại hệ thống Ngân hàng sữa mẹ trên toàn quốc vấn đang ở mức rất cao (khoảng 1.400.000 VNĐ/lít), đặc biệt với gia đình có trẻ sơ sinh bệnh lý phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, mặc dù hoạt động của các ngân hàng sữa mẹ này hoàn toàn phi lợi nhuận.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới. Chúng ta cần có cơ chế, chính sách như thế nào để giúp trẻ em được chăm sóc bằng sữa mẹ tối đa ở những năm tháng đầu đời, góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ miễn dịch, sức khỏe của trẻ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nếu có một loại vaccine mới có thể giúp phòng tránh tử vong cho trẻ em với chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp, không cần bảo quản lạnh, thì nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm được tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế. Sữa mẹ được Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa là sinh phẩm, giống như máu, dịch truyền, vì vậy tôi cho rằng, cần được bảo hiểm y tế chi trả trong Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc giảm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ là cực kỳ cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Việt Nam đã có Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 100/2014/NĐ-CP cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2023), 92% bà mẹ được khảo sát đã từng xem một quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ trên truyền hình, Facebook, Youtube, Google. 29% bà mẹ đã từng được nhân viên y tế tư vấn sử dụng sữa công thức. Chiêu thức các công ty sử dụng đó là dán nhãn mác các sản phẩm cho trẻ dưới và trên 24 tháng tuổi như nhau, tiếp cận nhân viên y tế thông qua các khóa đào tạo, hội thảo khoa học và hiệp hội y khoa, lấy thông tin bà mẹ từ lúc mang thai thông qua việc cung cấp các sản phẩm dùng thử sữa cho phụ nữ mang thai. Và các doanh nghiệp đang sử dụng mạng xã hội để quảng cáo ngày càng nhiều hơn. Theo báo cáo của tổ chức Alive & Thrive, có hơn 3.372 vi phạm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ trên các nền tảng mạng xã hội trong năm 2022.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên thị trường hiện nay thông qua các cơ chế lập pháp

Chính vì thế, tôi cho rằng cơ quan lập pháp ở Việt Nam cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên thị trường hiện nay. Đầu tiên, cần xem xét và thực hiện quy định cấm quảng cáo trực tiếp và giới hạn quảng cáo gián tiếp cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Quy định này cần được thiết lập một cách rõ ràng và nghiêm ngặt, đảm bảo sự tuân thủ từ phía các công ty và nhà sản xuất.

Thứ hai, cần tăng cường thông tin, giáo dục và tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích và tầm quan quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng và các hoạt động tuyên truyền. Các cơ quan lập pháp có thể hợp tác với các tổ chức y tế và các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo việc cung cấp thông tin chính xác và tin cậy.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc tạo ra các chính sách và chương trình hỗ trợ về nghỉ thai sản và cho con bú, cung cấp điều kiện thuận lợi để các bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú trong thời gian dài. Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) cần xem xét tới việc bổ sung quy định chi trả cho các các dịch vụ hỗ trợ tư vấn nuôi con sữa mẹ và sữa mẹ thanh trùng cho trẻ nguy cơ.

Tóm lại, được chăm sóc bằng sữa mẹ là quyền của trẻ em, việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Để bảo vệ sức khỏe và phát triển của trẻ, cần hạn chế quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ thông qua nỗ lực của cơ quan lập pháp ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự chặt chẽ và quyết liệt từ phía Chính phủ, công tác giáo dục và thông tin, cũng như sự hỗ trợ tài chính và chính sách cho các bà mẹ.Chỉ khi có sự tập trung và hợp tác từ tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường thích hợp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ và đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt nhất cho trẻ em.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương