QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Chia sẻ về thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, điều ấn tượng nhất về Kỳ họp này chính là sức làm việc của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Kỳ họp bất thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nên Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã làm việc cả ngày thứ bảy, các cơ quan của Quốc hội làm việc cả chủ nhật để tổng hợp kịp thời các nội dung, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.
Các vấn đề được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đều là những vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa cấp bách nên đã có rất nhiều tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội. Qua các phiên thảo luận tại tổ, hội trường, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ tài liệu và phát biểu đầy trách nhiệm, sâu sắc, có chất lượng cao. Có một số nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận ở phiên họp toàn thể của Quốc hội không có quá nhiều ý kiến là do đa số đại biểu đều thống nhất với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, các dự thảo nghị quyết, dự thảo luật cơ bản được chuẩn bị tốt, báo cáo thẩm tra có nội dung trọng tâm, cụ thể. Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và phiên họp toàn thể đầy đủ, chính xác, kịp thời, làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Các phiên họp toàn thể diễn ra với tinh thần trách nhiệm cao, không khí thảo luận sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận để làm rõ hơn vấn đề. Điều hành của chủ tọa kỳ họp linh hoạt, tạo không khí dân chủ. Kỳ họp đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, đạt hiệu quả, chất lượng.
Đánh giá về công tác chuẩn bị, phục vụ cho Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội và Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo, tổ chức rất tốt công tác bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ họp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, sử dụng tài liệu đã giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Tuy vậy, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội vẫn còn chậm nên các đại biểu Quốc hội cũng phải thâu đêm suốt sáng nghiên cứu tài liệu để có thể đưa ra những ý kiến xác đáng nhất về các nội dung trình Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp
Chia sẻ về việc tổ chức Kỳ họp bất thường đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, bên cạnh hai kỳ họp thông lệ hàng năm, nếu Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp khác thì đó là kỳ họp bất thường. Tuy nhiên, đại biểu tán thành với tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, các Kỳ họp bất thường dần sẽ trở thành bình thường trong hoạt động của Quốc hội để kịp thời quyết đáp những vấn đề cấp bách theo yêu cầu của cuộc sống. Đặc biệt, trong thời điểm có nhiều tác động từ điều kiện thế giới và trong nước, có những vấn đề phải giải quyết ngay thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nếu chờ hai kỳ họp thông lệ hàng năm thì chắc chắn có một số việc không được giải quyết kịp thời, có những việc sẽ chậm trễ.
Đại biểu nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ họp bất thường một cách bình thường thể hiện sự phản ứng linh hoạt, ủng hộ, chia sẻ với Chính phủ trong công tác điều hành chung. Việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 thể hiện sự phản ứng linh hoạt, đầy trách nhiệm của Quốc hội trong thời điểm hiện tại. Đại biểu bày tỏ tin tưởng, các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ mang lại tác động tốt đối với sự phát triển của đất nước.
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết số 30, đại biểu nêu rõ, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội. Nghị quyết có tính đột phá, có ý nghĩa lịch sử, vì thời gian ra đời nhanh chóng nhưng lại có đóng góp lớn, kịp thời và hiệu quả. Bởi đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có tiền lệ, đòi hỏi phản ứng cực kỳ nhanh, bất kỳ một sự sơ suất nào cũng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nên trong thời gian đầu, công tác phòng, chống dịch của chúng ta cũng có sự lúng túng nhất định.
Toàn cảnh phiên họp
Trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, đại biểu đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phản ứng linh hoạt, càng về sau phản ứng của chúng ta ngày càng nhuần nhuyễn, hợp lý và kịp thời hơn. Song, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn nảy sinh. Những vướng mắc này nhìn chung đều được các đại biểu Quốc hội phản ánh trung thực, đầy đủ trong phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường. Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Ủy ban Xã hội cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong ứng phó với một đại dịch chưa có tiền lệ như này.
Đại biểu bày tỏ tin tưởng, với việc Quốc hội quyết đáp cho phép kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết số 30, chúng ta sẽ giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn phát sinh trong thời gian qua. Đây cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích cho chúng ta xử lý khi có tình huống cấp thiết xảy ra trong tương lai.
Đại biểu nhấn mạnh, trong phản ứng chính sách, chúng ta đã linh hoạt. Nghị quyết số 30 của Quốc hội được ban hành khá sớm, sau đó Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhanh chóng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn chậm trễ, thậm chí có chương trình, dự án được triển khai quá muộn; khâu tổ chức ở chỗ này chỗ khác còn chậm, có độ trễ, có yếu kém. Điều này cần nghiêm túc khắc phục, sự linh hoạt, khẩn trương trong tổ chức thực hiện các chính sách là hết sức quan trọng.