KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2: GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ THỜI SỰ, CẤP BÁCH, LÀM TIỀN ĐỀ PHÁT TRIỂN KT-XH TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI

10/01/2023

Đánh giá về Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, điểm nhấn trong các nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này đều là những nội dung có tính thời sự, cấp bách, quan trọng, cần được giải quyết ngay...

 

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã bế mạc vào chiều 9/1 tại Nhà Quốc hội, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, những nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường này có tính thời sự, cấp bách, cần được giải quyết ngay. Đồng thời bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với những đề xuất của Chủ tịch Quốc hội trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 về phương hướng, mục tiêu phát triển của năm 2023, đặc biệt là việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới… Qua đó cho thấy thành công chung của năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ là nhờ những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, kịp thời của Quốc hội và Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 có tính thời sự, cấp bách, cần được giải quyết ngay

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Đại biểu đánh giá như thế nào về Kỳ họp bất thường lần này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi thấy, về cơ bản, những tài liệu trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội được chuẩn bị khá kỹ càng, cẩn thận, nhất là các báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội. Với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 4 như dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã được Ban soạn thảo lắng nghe với tinh thần cầu thị, cẩn trọng; tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những giải trình hợp lý về những nội dung của dự án Luật này. Tuy nhiên, vẫn có những tài liệu được gửi muộn, chậm so với quy định khiến các đại biểu Quốc hội rất vất vả trong việc nghiên cứu tài liệu do thời gian gấp gáp.

Một điểm nhấn quan trọng khác mà tôi nhận thấy trong các nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này đều là những nội dung có tính thời sự (về nhân sự), cấp bách (điều chỉnh một số nội dung về ngân sách), quan trọng, cần được giải quyết ngay để làm tiền đề cho nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài (Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), hoặc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang là rào cản cho sự phát triển của ngành (Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 Nghị quyết. Vậy đâu là nội dung mà đại biểu đặc biệt quan tâm, vì sao?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì việc Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của ngành y tế như giá viện phí, phân tuyến kỹ thuật, vấn đề xã hội hoá...  Đây sẽ là động lực để ngành y tế tiếp tục phát triển, có những đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bộ khung cho các quy hoạch khác (quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương...), là căn cứ để xác định các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư lớn trong thời gian tới. Đây cũng là phương hướng, cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Năm 2023 tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Phóng viên: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ một số hạn chế, vướng mắc về kinh tế - xã hội trong năm 2022 vừa qua, từ đó để xuất một số phương hướng, mục tiêu phát triển trong năm 2023. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi rất tâm đắc với những gợi mở, đề xuất của Chủ tịch Quốc hội về những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, đặc biệt là việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất; tăng cường hoàn thiện thể chế; kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới… Đồng thời trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, coi trọng phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; đi liền với đó là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để chấn hưng và phát triển văn hóa như Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế…

Tôi đồng tình và đánh giá cao với những phương hướng, mục tiêu phát triển của năm 2023 như Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Với những định hướng và gợi mở rất đúng và trúng như vậy, với sự tích cực của Chính phủ, sự nhất trí đồng lòng của các cấp lãnh đạo, chính quyền và toàn thể nhân dân, tôi tin tưởng rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm chúng ta gặt hái được những thành công ấn tượng!

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, kịp thời của Quốc hội và Chính phủ

Phóng viên: Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của Quốc hội cùng Chính phủ để tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, cụm từ “Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ” đã trở nên quen thuộc. Thực sự, đây không phải là một sáo ngữ. Nhìn xuyên suốt hoạt động của Quốc hội trong năm qua, chúng ta thấy rõ điều đó, 2 Kỳ họp bất thường này trong vòng một năm (tuy Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào những ngày đầu tiên của năm mới 2023). Để sát cánh cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 gây nên, Quốc hội đã ban hành những Nghị quyết được đánh giá là "chưa từng có trong tiền lệ lập pháp" của nước nhà, nhưng rất chuẩn xác, kịp thời, chất lượng.

Từ đó, Chính phủ có thêm những quyết sách, điều hành linh hoạt, phù hợp bối cảnh mới, ứng phó với những khó khăn, tháo gỡ những nút thắt. Chúng ta đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm qua khá ấn tượng, tình hình an ninh trật tự ổn định, quốc phòng tiếp tục được giữ vững... Thành công chung của năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ là nhờ những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, kịp thời của Quốc hội.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 cũng thể hiện rõ sự linh hoạt và nỗ lực của Chính phủ. Tôi nhận thấy, thời điểm tổ chức Kỳ họp bất thường này rất gần với Kỳ họp thứ 4 (chỉ sau hơn 1 tháng), đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ và của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội phải rất cố gắng, nỗ lực trong việc trình, tổng hợp, nghiên cứu tài liệu để có những ý kiến đóng góp xác đáng nhất.

Phóng viên: Trân trogj cảm ơn đại biểu!

Bích Ngọc

Các bài viết khác